Trong bối cảnh cơ chế nới room cho NĐT ngoại lên trên mức 49% chưa sớm được ban hành ngay, các thành viên thị trường cho rằng, cần có các giải pháp thế chân nhằm nới không gian rộng hơn cho khối ngoại vào TTCK.
“Mềm hóa” room cho khối ngoại tại CTCK
Khi cơ chế nới tỷ lệ đầu tư cho NĐT nước ngoài chưa thể triển khai sớm như kế hoạch, thì nhiều thành viên thị trường cho rằng, đây là lúc Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần có cách tiếp cận đa dạng, linh hoạt hơn trong tính toán xây dựng và áp dụng các biện pháp, để nới rộng không gian hơn cho khối ngoại tham gia TTCK Việt Nam, thay vì quá phụ thuộc vào một giải pháp mang tính đơn lẻ và còn bất định về thời điểm ban hành như cơ chế nới room.
Theo đó, các thành viên thị trường mong đợi Bộ Tài chính, UBCK quan tâm thúc đẩy cơ chế làm “mềm hóa” tỷ lệ sở hữu của NĐT ngoại đối với CTCK hoạt động tại Việt Nam, thay vì quy định cứng hai ngưỡng là 49% và 100% như hiện nay. Được biết, sau khi cơ chế nới room áp dụng đối với cả DN niêm yết lẫn CTCK chưa thể ban hành sớm như kế hoạch, UBCK đã hoàn tất việc tách nội dung tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được mua trên 49% và dưới 100% vốn của tổ chức kinh doanh chứng khoán Việt Nam, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Thị trường đang kỳ vọng cơ chế trên sẽ sớm được phép áp dụng, sau khi trên thực tế đã tồn tại mô hình NĐT ngoại nắm trên 49% và dưới 100% vốn của CTCK Việt Nam đầu tiên. Đó là trường hợp Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc của Hàn Quốc sở hữu hơn 90% vốn điều lệ tại CTCK KIS Việt Nam.
Thúc đẩy triển khai quỹ ETF
Một giải pháp có tính khả thi khác, theo các thành viên thị trường, UBCK, Bộ Tài chính cần quyết sớm các quy trình và cần thúc đẩy triển khai quỹ ETF trong bối cảnh hệ thống hạ tầng do Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), các Sở GDCK, các công ty quản lý quỹ triển khai, đã sẵn sàng cho giao dịch chứng chỉ quỹ ETF. Trong bối cảnh “cửa” vào TTCK Việt Nam chưa được nới thêm, thì ETF có thể là một giải pháp đi “đường vòng” có tính khả thi, để thu hút dòng vốn ngoại. Bởi lẽ, so với hai quỹ ETF ngoại đang hoạt động, quỹ ETF nội địa mang lại nhiều ưu thế cho NĐT ngoại như không bị hạn về chế tỷ lệ sở hữu khi mua chứng chỉ quỹ ETF.
Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các thị trường phát triển cho thấy, trong giai đoạn ban đầu triển khai quỹ ETF, cần có sự tham gia tích cực của các thành viên lập quỹ, cũng như các nhà tạo lập thị trường. Các đối tượng này rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý về phí, thuế, để thực hiện tốt vai trò của mình, qua đó thu hút sự tham gia của công chúng đầu tư vào quỹ ETF.
Xem xét triển khai NVDR
Các thành viên thị trường cũng cho rằng, cơ quan quản lý nên xem xét triển khai sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), mà Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đề xuất sau khi nghiên cứu kinh nghiệm triển khai sản phẩm này tại Thái Lan trong năm ngoái. NVDR cho phép NĐT được hưởng đầy đủ các quyền lợi tài chính của cổ phiếu, nhưng không được hưởng quyền biểu quyết.
Cơ sở cho triển khai sản phẩm này là rất nhiều NĐT nước ngoài khi sở hữu cổ phiếu chỉ quan tâm đến các quyền lợi tài chính, mà không tham gia vào việc quản lý, điều hành hay các quyết định của DN. Nghiên cứu của HOSE cho thấy, NVDR có tính khả thi, sẽ góp phần thu hút dòng vốn ngoại tham gia thị trường hiệu quả hơn.
Cải thiện thanh khoản
Để tăng thu hút dòng vốn ngoại, các thành viên thị trường cho rằng, ngoài các giải pháp: đẩy nhanh hơn kế hoạch đưa TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; công bố toàn bộ các văn bản pháp luật, thông tin về sở hữu tại DN niêm yết bằng tiếng Anh trên trang thông tin điện tử của UBCK, thì cần áp dụng giải pháp mới nhằm khắc phục một trong những e ngại của khối ngoại là tính thanh khoản của thị trường còn hạn chế.
Theo đó, UBCK có thể chọn lọc một số CTCK đáp ứng các yêu cầu về: công nghệ, quản trị rủi ro, am hiểu về sản phẩm..., để đi trước một bước trong triển khai cơ chế vay và cho vay chứng khoán. Sau một thời gian triển khai theo hướng này, nếu các CTCK khác hội đủ các điều kiện mà cơ quan quản lý đặt ra thì cũng được phép triển khai cơ chế vay và cho vay chứng khoán. Cơ chế này không chỉ áp dụng trong nội bộ từng CTCK, mà cho phép triển khai giữa các CTCK với nhau.
Để đảm bảo nguyên tắc thận trọng, kiểm soát rủi ro tốt hơn, trong thời gian đầu áp dụng cơ chế vay và cho vay chứng khoán, UBCK có thể quy định “cứng” danh sách các mã chứng khoán phải thỏa mãn các điều kiện về: vốn hóa, thanh khoản, các chỉ tiêu về lợi nhuận…, trên cơ sở đó CTCK mới được phép cung cấp dịch vụ này tới khách hàng.
Từ thực tế hoạt động, các CTCK cho biết, hiện nhu cầu vay mượn chứng khoán lẫn nhau giữa các NĐT trong từng CTCK, cũng như giữa những NĐT tại các CTCK khác nhau là khá lớn. Bởi vậy, nếu cơ chế này cho phép triển khai sẽ làm tăng vòng quay của chứng khoán, cũng như dòng tiền, góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường. Bên cạnh đó, CTCK sẽ năng động hơn trong xây dựng kho chứng khoán có chất lượng tốt, thanh khoản cao, để đáp ứng nhu cầu vay và cho vay chứng khoán tới khách hàng. Danh mục chứng khoán qua “bộ lọc” CTCK sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro.
"Thúc đẩy quỹ ETF nội hướng tới NĐT ngoại”- Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) Do tính chất đặc thù của quỹ ETF nên trong thời gian đầu triển khai sản phẩm mới này sẽ chủ yếu hướng tới đáp ứng nhu cầu đầu tư của các NĐT tổ chức như các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm, chứ NĐT cá nhân chưa có nhu cầu này nhiều. Do đó, điều quan trọng nhất là việc triển khai các quỹ ETF phải làm sao cho NĐT tổ chức (nhất la các tổ chức nước ngoài) thấy an toan, bền vững, tin tưởng. Để có được sự tin tưởng từ các NĐT tổ chức, phải có sự hình thành và tham gia của các nhà tạo lập thị trường. Theo thông lệ quốc tế, nhà tạo lập thị trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các quỹ ETF. Trong bối cảnh hiện tại, tuy đã phối hợp chặt chẽ với các Sở GDCK, VSD, các công ty quản lý quỹ..., để xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ cho triển khai quỹ ETF, nhưng HSC chưa dám mạnh dạn làm nhà tạo lập thị trường, vì chưa có những công cụ hedging (phong ngừa rủi ro) như options (quyền chọn) và futures (hợp đồng tương lai), nên các nhà tạo lập thị trường sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Mặt khác, để là nhà tạo lập thị trường, chỉ có một số CTCK thỏa mãn yêu cầu, do phải đáp ứng nhiều tiêu chí khá khắt khe: vốn lớn; có khả năng chấp nhận rủi ro; có nhiều khách hàng (cá nhân va tổ chức)... “Hãy tính đến phương án NVDR”- Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Trước đây, Thái Lan cũng là thị trường kiểm soát chặt tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài trên TTCK như Việt Nam hiện tại. Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn trong thu hút dòng vốn ngoại. Để khắc phục tình trạng nay, NVDR đã được Thái Lan nghiên cứu và áp dụng thành công, khi hiện nay khối lượng giao dịch NVDR chiếm khoảng 40% tổng giao dịch toàn thị trường. Trong bối cảnh thị trường Việt Nam hiện nay, việc triển khai NVDR có tính khả thi cao, bởi ưu điểm của sản phẩm này là sẽ được khớp lệnh chung với các cổ phiếu thông thường, khác với cổ phiếu ưu đãikhông có quyền biểu quyết phải có một sổ lệnh riêng. Ngoài ra, để thu hút tốt hơn dòng vốn ngoại, ý kiến từ NĐT nước ngoài cho thấy, sau khi một loạt DN đang niêm yết có chất lượng đa cạn room cho khối ngoại, họ gần như không tim thấy thêm các hàng hóa đủ chất lượng, đáng để đầu tư. Bởi vậy, ngoài NVDR, khối ngoại đang mong đợi Bộ Tai chính, UBCK có giải pháp thúc đẩy các DNNN lớn đã và sắp cổ phần hóa sớm lên niêm yết, để có thể tăng lượng vốn giải ngân vào TTCK Việt Nam. |
Nguồn: FPTS
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]