Tất cả những cái đáy bắt đầu cho xu hướng đi lên kéo dài thường tạo lập khi thanh khoản cạn kiệt, xảy ra trong 2 – 3 tháng mà tuần giao dịch vừa qua là tín hiệu ban đầu về sự suy kiệt đó.
Điểm nhấn của những ngày giao dịch gần đây là thanh khoản đi xuống mặc dù chỉ số đi lên. Trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Việt – Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích, công ty Chứng khoán Hoàng Gia IRS cho rằng hiện tượng này là do lượng cung ngắn hạn đang được kiềm chế. Do “dòng tiền thông minh” chưa quay lại nên thị trường tới đây sẽ biến động lình xình trong dải hẹp, và sau một thời gian nhìn lại, chúng ta sẽ thấy đó là xu hướng xuống với một tốc độ chậm. Không có mức giá cố định nào để hấp dẫn dòng tiền thông minh đó, mà chỉ có một dấu hiệu là sự cạn kiệt về thanh khoản
Thưa ông, ông có nhận xét gì về phiên giao dịch ngày 04/06?
Phiên giao dịch hôm nay cũng giống như các phiên trước đó. Điểm nhấn của nó là thanh khoản. Thị trường đã bước vào đợt hồi phục này được 3 tuần nhưng thanh khoản không cho thấy sự chuyển biến nào, chứng tỏ dòng tiền đang không sẵn sàng quay trở lại thị trường. Bình thường, trong điều kiện tích cực, sau khi tạo đáy khoảng 3 – 7 phiên giao dịch, tức dưới 2 tuần giao dịch là thanh khoản bắt đầu thiết lập mặt bằng mới để cho thấy sự gia tăng về giá đã hấp dẫn nhà đầu tư và kéo dòng tiền quay trở lại với thị trường. Nhưng rõ ràng giai đoạn qua không có những yếu tố đó. Dòng tiền vẫn đứng ngoài.
Sự hồi phục giá là do lượng cung ngắn hạn đang được kiềm chế và cầm chừng bởi vì đợt trước, nhà đầu tư đã bán hết rồi. Tâm lý hiện giờ vẫn bất ổn, họ chưa quay trở lại và vì vậy, lượng cung ngắn hạn rất thấp (lượng cổ phiếu được các nhà đầu tư ngắn hạn nắm giữ thấp). Nhưng muốn thị trường đi lên bền vững, cần có dòng tiền chứ không phải chỉ cần 1 yếu tố là lượng cung thấp. Vì thị trường 3 tuần qua đi lên nhờ lượng cung thấp nên khi vấp phải các ngưỡng kháng cự mạnh như vùng 560 -570 của VN-Index thì thị trường đã bắt đầu chao đảo.
Phiên 04/06 là một phiên giảm điểm mạnh hơn cường độ của các phiên trước đó, đặc biệt là các mã đầu cơ. Nó cho thấy tâm lý rất yếu và dòng tiền “nhanh nhẹn thông minh” chưa quay lại.
Theo ông thì vì sao dòng tiền chưa quay lại?
Không hẳn là do hết tiền, vì thị trường vẫn vậy. Có người được người mất, có người mất tiền nhưng đã có những người nhiều tiền lên. Câu chuyện ở đây là câu chuyện mang tính chất chu kỳ và sự vận động mang tính chất xu hướng của thị trường chứng khoán.
Giai đoạn tháng 3, khi báo chí cũng như rất nhiều nhà đầu tư nói nhiều về chuyện dòng tiền bùng nổ thì đó chính là đỉnh điểm của sự hưng phấn. Những cổ phiếu đầu cơ có giá trị cơ bản thấp vẫn bay lên và tăng giá nhanh chóng. Đó là đặc trưng của thời điểm mà “dòng tiền thông minh” rút ra khỏi thị trường. Sau sự hưng phấn đó, khi tiền đã rút ra khỏi thị trường rồi thì đến giai đoạn hiện tại vẫn chưa đủ hấp dẫn để quay lại. Dòng tiền thông minh này sẽ chờ đợi khoảng thời gian và vùng giá hấp dẫn hơn nữa.
Vùng giá nào sẽ hấp dẫn, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng không có định giá nào chính xác cho các cổ phiếu cả. Giai đoạn hấp dẫn với dòng tiền thông minh là khi thị trường hưng phấn như tôi vừa nói, lúc người ta nhắc quá nhiều đến chuyện thanh khoản cao, dòng tiền này sẽ rút ra. Còn ngược lại không có mức giá cố định nào để hấp dẫn dòng tiền thông minh đó, mà chỉ có một dấu hiệu là sự cạn kiệt về thanh khoản.
Chúng ta để ý rằng tất cả những cái đáy bắt đầu cho xu hướng kéo dài thường tạo lập khi mà thanh khoản cạn kiệt, xảy ra trong vòng 2 – 3 tháng giao dịch mà tuần giao dịch vừa qua chỉ là một tín hiệu ban đầu về sự suy kiệt đó. Cá biệt có những giai đoạn như năm 2012, kéo dài đến 6 tháng.
Vậy ông cho rằng thị trường tới đây sẽ biến động như thế nào?
Khi nhà đầu tư thờ ơ, thị trường sẽ vận động với một dải hẹp hơn. Khả năng sụt mạnh với tốc độ nhanh như quãng thời gian trung tuần tháng 5 sẽ không xảy ra nữa mà là những ngày lình xình kéo dài. Thông thường, sau này khi chúng ta nhìn lại thì nó sẽ vẫn là xu hướng xuống nhưng với tốc độ chậm.
Có ý kiến cho rằng phiên 3/6 là đỉnh của một đợt sóng hồi. Ông đánh giá như thế nào?
Với những diễn biến của các phiên giao dịch gần nhất, không chỉ phiên 3/6 mà “đỉnh của sóng hồi” đã diễn ra từ 2 đến 3 phiên trước đó rồi. Đã có rất nhiều cổ phiếu đầu cơ như FLC, MCG, LCG, HQC … tạo đỉnh từ cuối tuần trước. Hãy nhìn vào HNX-Index chứ đừng nhìn vào VN-Index vì VN-Index đã bị tác động rất nhiều bởi khối ngoại kéo bluechips còn bản chất thị trường là đã yếu đi từ cuối tuần trước.
Với những đánh giá như trên, theo ông, chiến lược hợp lý cho giai đoạn này là gì?
Chúng tôi vẫn khuyên nhà đầu tư của mình đứng ngoài và để vốn nghỉ ngơi. Còn những nhà đầu tư thấy mình đủ nhanh nhạy và giữ được kỷ luật để lướt sóng thì giai đoạn này cũng bớt rủi ro hơn so với giai đoạn trước rồi nhưng cũng chỉ lướt sóng trong dải giá hẹp. Khi thị trường xuất hiện những phiên bán tháo thì mua vào với tỷ trọng thấp phù hợp với khả năng chịu đựng rủi ro của mình, và chỉ cần khi thị trường chớm tăng, hơi hưng phấn một chút là chúng ta chốt lời.
Đó là chiến lược thông thường trong giai đoạn side-way nhưng thực sự phải rất kỷ luật mới thực hiện được.
Rất nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng nên đứng ngoài. Các công ty chứng khoán cũng khuyên hãy chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn. Nhưng thưa ông, ai cũng đứng ngoài thì ai sẽ đỡ thị trường?
Có rất nhiều người có tư duy “đứng ngoài” nhưng không phải cũng làm được. Nhìn lại một tuần giao dịch gần đây, ai cũng thấy rằng thị trường sau một cú lao dốc như vậy không thể khỏe ngay được nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng giữ được kỷ luật, thoát khỏi sức lôi cuốn của bảng điện tử. Sự hồi phục nhẹ cũng lôi kéo được một bộ phận lao vào thị trường, nhưng nó không đại diện cho xu hướng ổn định.
Nếu chúng ta cứ lật lại những câu hỏi “ai đang giao dịch, ai đang mua, ai đang bán”, hãy nhìn lại giai đoạn thị trường hưng phấn nhất. Tại vùng đỉnh, mọi người cũng hỏi những câu hỏi tương tự là “ai mua mà thanh khoản cao thế, thị trường làm sao giảm được?” Cuối cùng chúng ta đã thấy thị trường giảm như thế nào. Câu hỏi về “ai” trên thị trường chứng khoán là … vô cùng.
Về khối ngoại, ông có cho rằng khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng trong thời gian tới?
Khối ngoại sẽ vẫn mua ròng nhưng tốc độ sẽ chậm hơn so với quý I. Đó lại là bài toán mang tính chất chu kỳ. Trong 3 năm gần đây, quý I vẫn là quý hoạt động mạnh nhất của khối ngoại. Sau đó, họ vẫn mua ròng, xen kẽ là vài đợt bán ròng nhưng tính tổng thể lại nhiều năm qua thì khối ngoại vẫn đang mua ròng. Có thể là TTCK Việt Nam về mặt định giá cơ bản vẫn đang rẻ hơn tương đối so với thị trường xung quanh nhưng cơ bản là khối ngoại có chiến lược dài hơi. Có thể phải vài năm nữa chúng ta mới đánh giá được họ thất bại hay thành công. Việc họ mua ròng ở mức giá thấp trong khoảng thời gian cách đây 2- 3 tuần không thể nói lên hết vấn đề. Họ mua hơn 1000 tỷ mà thị trường mới hồi phục lại như thế này thì họ vẫn chưa có đủ lượng cầu để chốt lời.
Nhưng điều tôi muốn nói là việc mua ròng của khối ngoại gần như không có ý nghĩa lắm đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, có chăng thì các nhà đầu tư cá nhân đầu tư dài hạn có thể tham khảo được.
Vậy còn dòng tiền margin trên thị trường hiện nay, ông đánh giá thế nào?
Tôi cho rằng các CTCK vẫn duy trì sản phẩm margin của mình như trước, nhưng thực tế thì dòng vốn margin đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đó, theo tham khảo của tôi trên thị trường thì chỉ còn bằng khoảng 20 -30% so với giai đoạn bùng nổ của tháng 2 hoặc tháng 3. NĐT vừa thua lỗ khi sử dụng dòng vốn nóng, nên sẽ không quay lại dùng dòng vốn này một cách nhanh chóng.
Tháng 9, tháng 10 năm 2009 là giai đoạn margin bùng nổ mạnh nhất và sau đó, thị trường tạo đỉnh. Nhiều tháng sau đó, có một đợt hồi phục tương tự như bây giờ và ảm đạm vài tháng rồi mới lại có một đợt hồi phục. Năm 2012 cũng vậy. Nhiều cổ phiếu đầu cơ tăng giá từ 2 – 3 lần, cá biệt có những mã tăng 4 – 5 lần vào tháng 4/2012 và rồi mất đến 6 tháng, dòng vốn nóng quay lại thị trường và đẩy thị trường đi lên. Tất cả các chu kỳ đều như vậy.
Xin cảm ơn ông rất nhiều.
Nguồn: CafeF
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]