Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong tuần qua đã có sự thăng hoa nằm ngoài dự kiến của nhiều nhà đầu tư khi chỉ số VN-Index bứt phá từ mốc 550 điểm lên 570 điểm.
Phiên giao dịch ngày 11/2/2014 đánh dấu kỷ lục mới được thiết lập về thanh khoản với hơn 260 triệu cổ phiếu được mua bán trên cả hai sàn HNX và HSX. Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường đến cả từ nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Các quỹ ETF liên tục huy động được vốn mới do tạo nên được thặng dư giữa thị giá và giá trị tài sản ròng (NAV).
Sự hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam đối với các quỹ ETF là rất rõ ràng khi năm 2013 lợi suất của các quỹ này lên tới 28,3%. Trong khi lợi suất đầu tư ở các thị trường khác trong khu vực đều thấp hơn: ở Trung Quốc là 11,2%, Hàn Quốc: 9,9%, Singapore: 4,8%, Philippines: 0,5%.
Đồng thời, sự đánh giá về các yếu tố vĩ mô Việt Nam của các tổ chức nước ngoài đã có sự cải thiện nhất. Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch nhận định kinh tế trong nước đã chạm đáy và trên đà hồi phục, với dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2014 là 5,7%, năm 2015 là 5,9%.
Sức cầu tiêu dùng còn chững lại nhưng các chỉ số nền kinh tế vẫn cho thấy xu hướng ổn định. Ngành bán lẻ đạt 11,9% so với 8,5% cùng kì năm trước, đột biến là mức tăng của nghành du lịch và dịch vụ đạt 22,9%.
Chỉ số sản lượng công nghiệp PMI đạt 52,1 điểm cho thấy sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất. Hơn nữa, mức tồn kho tại các doanh nghiệp sản xuất cũng đã giảm đáng kể, và đây là tốc độ giảm hàng tồn kho nhanh nhất kể từ tháng 2/2013. Bên cạnh đó, số lượng các đơn đặt hàng mới cao hơn so với cùng kỳ là một tín hiệu tích cực. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được duy trì và gia tăng.
Tỷ giá USD/ VND ở mức ổn định trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực đều mất giá nhanh và mạnh so với USD bởi làn sóng rút vốn đầu tư nước ngoài. Các yếu tố chính hỗ trợ cho tỷ giá USD/ VND chính là dòng vốn FDI, lượng tiền kiều hối và sự cải thiện của cán cân thương mại.
Mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 1/2014 là chỉ đạt 0,5%; trong đó, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,82% so với tháng 12/2013. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 0,98% (cùng kỳ giảm 0,53%). Như vậy, cả tín dụng và huy động tiền gửi đều giảm mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân một phần đến từ lý do trong dịp Tết nhu cầu thanh toán chi trả đột biến nên người dân và doanh nghiệp tập trung rút tiền để thanh toán chi trả, không vay để đầu tư nên tín dụng tăng thấp.
Nhìn chung, kịch bản tín dụng năm 2014 được dự báo sẽ không khác nhiều so với năm 2013: chậm chạp trong 6 tháng đầu, dần cải thiện vào quý 3 và sang tới quý 4 thì tăng đột biến. Kế hoạch tăng trưởng cho cả năm của toàn hệ thống được NHNN đưa ra là từ 12-14% nhưng có thể điều chỉnh để phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trong ngắn hạn, áp lực điều chỉnh qua mỗi phiên sẽ lớn dần do giá nhiều cổ phiếu đã ở mức cao. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc có thể chốt lời ở những mã đã có lợi nhuận và gia tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục.
Nguồn: CafeF
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]