Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Tin nhanh chứng khoán

Quý đầu chưa xuôi, cuối năm có lọt?

Tác giả : AA006 | 06 - 05 - 2014 | 8:51 AM | 1446 Lượt xem

Dù chưa đầy đủ nhưng tình hình kinh doanh lỗ lãi quý I của nhiều DN đã rõ nét, tăng trưởng lợi nhuận chỉ tập trung vào một số ngành có nhiều yếu tố thuận lợi như chứng khoán, dược phẩm...

Vũng lầy khó thoát

Tính đến ngày 5/3, có khoảng 70 doanh nghiệp (DN) công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 thua lỗ, chiếm hơn15% DN công bố thông tin. Bên cạnh những "gương mặt thân quen" về thua lỗ như: Phương Nam (PNC) lỗ liên tục từ quý IV/2012; Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) lỗ quý thứ 9 liên tiếp; Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai (DCT) lỗ quý thứ 7 liên tiếp; PV2 lỗ quý thứ 5 liên tiếp; Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN), Vận tải biển Việt Nam (VOS); Viglacera Từ Sơn (VTS), Hữu Liên Á Châu (HLA), Viglacera Bá Hiến (BHV), Quốc tế Hoàng Gia (RIC), Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) thường xuyên thua lỗ.

Bên cạnh đó là một số đơn vị lỗ có tính định kỳ vào quý I như: Than Đèo Nai (TDN), Hà Nội Milk (HNM), Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam (SED), Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định (DST), Sách và Thiết bị Bình Định (BDB)..., Ngoài ra, danh sách công ty làm ăn thua lỗ được nối dài bởi những tên tuổi mới.

Đó là STP lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết (2006); Công ty CP Thương mại Bia Hà Nội (HAT) với mức lỗ 2,3 tỷ đồng; Việt An (AVF) báo lỗ quý đầu tiên kể từ năm 2010. Đáng chú ý, một số công ty như Mirae (KMR) đã bị lỗ trở lại sau năm 2013 thoát lỗ thành công.

Vẫn có một số DN nỗ lực giảm lỗ và đã đạt được kết quả khả quan. Đó là Công ty CP Vận tải Biển Vinaship (VNA) với khoản lỗ đã giảm chỉ còn hơn 9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái, VNA lỗ hơn 28 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, ông Vương Ngọc Sơn, Tổng giám đốc VNA cho rằng, với nhu cầu vận tải biển sụt giảm, cung vượt quá cầu nên dù giá cước vận tải biển có tăng thì mức tăng này vẫn không đáng kể và các khoản thu vẫn không đủ bù đắp các khoản chi. Bên cạnh đó, VNA còn chịu áp lực trả lãi cho những khoản vay đầu tư mua tàu từ các năm trước. Với những lý do này, kết quả kinh doanh ở VNA vẫn tiếp tục âm.

Thực tế, sức cầu sụt giảm trong khi chi phí tăng cao đang là nguyên nhân phổ biến nhất khiến kinh doanh của các công ty sa sút. Trong quý I, doanh thu thuần của AVF chỉ đạt 105,4 tỷ đồng, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước trong khi giá vốn hàng bán chiếm tới 88% nên bị lỗ. Hay tổng chi phí của HAT tăng 73% so với cùng kỳ trong khi mức tiêu thụ chỉ tăng 40% nên HAT thua lỗ.

Ở trường hợp của DCT, thua lỗ đến từ sự cố tàu nước ngoài đâm va và làm hư hỏng cần cẩu chính nhập liệu phục vụ sản xuất của nhà máy nghiền xi măng tại Nhơn Trạch (Đồng Nai). Kết quả, từ sau tháng 5/2012, Nhà máy chỉ hoạt động được 30-40% công suất thiết kế và DCT liên tục bị lỗ.

Quý I/2014, dù doanh thu thuần của DCT tăng 133,7% nhưng lợi nhuận vẫn âm. Với Công ty Công nghiệp Thương mại Sông Đà (STP), lý do thua lỗ đặc biệt hơn khi quý I, Công ty phải tạm thời hạch toán khoản truy thu thuế thu nhập kỳ 2009-2010 với số tiền 4,95 tỷ đồng, dẫn đến kết quả lỗ sau thuế dù doanh thu quý I tăng trưởng 75% so với cùng kỳ.

Một số công ty nỗ lực thoát lỗ và đã thành công. Tuy nhiên, các công ty này lại dựa chủ yếu vào những nguồn thu ngoài ngành cốt lõi. Cụ thể, Phát Đạt (PDR) thoát lỗ nhờ vào tiền phạt hợp đồng gần 600 triệu đồng. Hay Công ty Đầu tư kinh doanh nhà (ITC) có lãi trở lại nhờ lợi nhuận khác.

Phân hóa theo ngành

Trong bức tranh kinh doanh quý I, nhà đầu tư nhận thấy sự phân hóa rõ nét theo ngành nghề. Biến động kinh doanh diễn ra mạnh mẽ nhất ở nhóm công ty bất động sản. Trong khi PDR, ITC, Vạn Phát Hưng (VPH), Hoàng Quân (HQC) chỉ đạt lãi khiêm tốn thì Đất Xanh (DXG), Đức Long Gia Lai (DLG), Licogi 16 (LCG) lại bứt phá với mức lãi tăng gấp nhiều lần cùng kỳ 2013.

Theo thông tin công bố, kết quả lãi đạt 25,25 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ ở DXG chủ yếu là nhờ Công ty có nguồn thu từ chuyển nhượng dự án Marina. Còn theo chia sẻ của ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch ở LCG, chỉ riêng quý I, doanh thu đạt gần 230 tỷ đồng, bằng 81% doanh thu cả năm 2013.Với kết quả này, LCG đã lãi ròng 6,9 tỷ đồng, và ông Hùng tin, đến năm 2016, LCG sẽ xóa hết khoản lỗ lũy kế, tích lũy lãi và đến năm 2017, Công ty sẽ chia cổ tức cho cổ đông.

Ở ngành vận tải biển, kết quả kinh doanh vẫn là một màu u ám. Hơn một nửa đơn vị trong ngành này gặp cảnh thua lỗ. Những công ty không thua lỗ thì mức lãi cũng rất thấp, cao nhất chưa tới 4 tỷ đồng.

Vì thế, một số DN vận tải biển như Vận tải biển Hải Âu (SSG), VST chỉ dám hướng tới mục tiêu cho cả năm là giảm lỗ chứ không mong thoát lỗ. Trong báo cáo thường niên 2013, ông Nguyễn Hữu Hoàn, Giám đốc Điều hành SSG, chia sẻ, với tình hình kinh doanh năm 2014 dự báo khó khăn hơn năm 2013, SSG sẽ phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng về nguồn hàng, tuyến khai thác và chi phí khai thác.

Kết quả kinh doanh của DN ngành khai khoáng, cao su tự nhiên, thép... cũng ít nhiều phản ánh tình hình khó khăn chung khi đa số công ty không đạt được mức tăng trưởng về lợi nhuận. Theo lý giải từ Thép Nam Kim (NKG), suy giảm lợi nhuận là do chi phí khấu hao tài sản tăng, cộng với tình hình thị trường giá cả, chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển đều tăng so với cùng kỳ. Riêng Cao su Thống Nhất (TNC) chỉ đạt lãi hơn 40 triệu đồng trong quý I, trong khi cùng kỳ, con số này là 7,7 tỷ đồng.

Tăng trưởng lợi nhuận chỉ tập trung vào một số ngành có nhiều yếu tố thuận lợi như chứng khoán, dược phẩm... Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đạt lãi trước thuế gần 303 tỷ đồng, tăng 61,17% so với quý I/2013. Chứng khoán Kim Long (KLS) đạt lãi 92 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ. Ở nhóm DN dược, như Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Imexpharm (IMP), Công ty S.P.M (SPM) đều đạt lợi nhuận khả quan. Một số công ty lớn như FPT (FPT), Bảo Việt (BVH) vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận ổn định.

Nguồn: CafeF


Share: 

Hotline:

(84) 2253 250 250

Email:

[email protected]