Đề án nới room (trần tỷ lệ sở hữu cổ phiếu) của nhà đầu tư nước ngoài với các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên trên 49% hiện gặp nhiều trục trặc để có thể được thông qua và áp dụng.
Nới room là thông tin được nhà đầu tư, người quan tâm đến thị trường chứng khoán kỳ vọng rất nhiều gần hai năm qua bởi họ cho rằng công cụ này sẽ giúp thị trường chứng khoán khởi sắc, đem lại sức mạnh mới cho thị trường và các công ty niêm yết. Bản thân lãnh đạo cơ quan quản lý cũng đã có rất nhiều cam kết và hứa hẹn về việc nới room tại nhiều diễn đàn trong thời gian qua.
“Đề án nới room hiện còn nhiều nhạy cảm và phức tạp nên chưa thể thông qua, đặc biệt trong tình hình hiện nay”, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM (HOSE), nói với phóng viên ngày 11-6.
Một trong những lý do dẫn đến trì hoãn kế hoạch nới room chính là những tranh luận chưa ngã ngũ giữa các cơ quan liên quan. Có ý kiến cho rằng việc nhà đầu tư nước ngoài mua thêm cổ phiếu trong doanh nghiệp mà không có quyền biểu quyết thì quyền đó sẽ bị hủy đi hay chuyển nhượng cho ai? Ví dụ, có những doanh nghiệp theo kịch bản được nới thêm 30% room thì khi doanh nghiệp cần cổ đông thông qua những quyết định quan trọng, luật Doanh nghiệp yêu cầu tỷ lệ nhất trí của cổ đông phải dựa trên 65% số cổ đông có quyền biểu quyết và số này phải tham dự phiên họp. Khi doanh nghiệp đang có nhà đầu tư nước ngoài nắm 30% cổ phiếu không có quyền biểu quyết, sẽ rất khó để doanh nghiệp đảm bảo các yêu cầu đặt ra để có thể thông qua các thay đổi của mình.
Một ý kiến khác cũng cho rằng room là cú hích tốt cho thị trường chứng khoán nhưng không phải là giải pháp "cây đũa thần" mang tính bền vững và không phải sân chơi chính của nhà đầu tư, cũng không phải giải pháp chính thúc đẩy thị trường, bởi bên cạnh đó còn rất nhiều các rào cản ngáng chân thị trường chứng khoán mà cơ quan quản lý cần gấp rút cải thiện như cải cách doanh nghiệp nhà nước, nợ công, cải cách hệ thống tổ chức tín dụng và đẩy vốn ra kích thích thị trường bất động sản, tiêu dùng... Ví dụ một công ty niêm yết sau khi được nới room thêm từ 49% lên 60% thì việc lấp đầy 11% sẽ xảy ra thế nào? Các diễn biến tiếp theo của việc đó là gì? Có hoàn toàn giúp thị trường sôi động như mong muốn, hay sau đó mọi việc vẫn như cũ?
Và câu hỏi mấu chốt khác, nhà đầu tư nước ngoài cần gì ở thị trường chứng khoán Việt Nam? Họ không cần quyền biểu quyết mà là những công cụ đầu tư sinh lời trong đó cổ phiếu niêm yết là công cụ quan trọng, các tài sản an toàn, và chấp nhận được về giá và tiềm năng sinh lời.
Vậy giải pháp nào cho thị trường chứng khoán nếu con át ‘nới room’ không được hạ xuống? ông Lê Hải Trà cho rằng một trong những phương án thuyết phục nhất với thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thay thế cho nới room là Chứng chỉ lưu ký (NVDR- None voting depository receipt).
NVDR là chứng chỉ lưu ký cho phép nhà đầu tư nước ngoài được hưởng tất cả lợi ích tài chính của cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trừ quyền biểu quyết trong doanh nghiệp.
NVDR không phải sản phẩm phái sinh như một số hiểu lầm, nó có thể được phát hành bởi một đơn vị thuộc cơ quan tổ chức quản lý và vận hành thị trường.
Ngay khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu ngoài room (room lúc đó đã đầy) thì cơ quan này sẽ phát hành cho họ NVDR chứng thực quyền sở hữu của họ với cổ phiếu của công ty và chứng chỉ đó cũng được lưu ký bởi ngân hàng lưu ký.
NVDR được triển khai rất thành công ở Thái Lan, một thị trường tương tự Việt Nam, và một số công cụ gần giống NVDR hiện được áp dụng ở thị trường chứng khoán Malaysia, Ấn Độ, Singapore nên nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực châu Á đã khá quen với công cụ này. Đây cũng là điểm thuận lợi nếu Việt Nam áp dụng.
Tuy nhiên, để có thể đưa NVDR vào thị trường chứng khoán Việt Nam thì một số quy định hiện hành với doanh nghiệp, thị trường chứng khoán cũng cần được điều chỉnh bên cạnh việc đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.
Nguồn: FPTS
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]