Trong đợt phục hồi vừa qua của TTCK, nhiều CP đã tăng giá khoảng 20-30%, tỷ suất sinh lời hấp dẫn đủ để chốt lời.
Nhưng không phải ai có lời sẽ bán, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường, quan điểm đầu tư và sức bật của từng CP.
NĐTNN vẫn còn kỳ vọng
Phiên 22-5, NĐTNN bán ròng (giá trị bán trừ giá trị mua) tại HOSE hơn 83 tỷ đồng, tương đương khoảng 4 triệu USD, nhưng lại chuyển sang mua ròng hơn 16 tỷ đồng vào ngày hôm sau. Nếu tính từ 19 đến 23-5, khối ngoại vẫn mua ròng khoảng 77 tỷ đồng, nên vẫn còn quá sớm để nói khối ngoại sẽ bán ra trong tuần cuối tháng 5.
Tuy nhiên, một chi tiết đáng lưu ý là giao dịch của khối ngoại trong tuần rồi, tuần phục hồi khá tốt của thị trường, chùng xuống và nhường lại cho khối nội. Điều này cũng dễ hiểu, vì khối này đã bắt đáy ròng rã hơn nửa tháng và khi CP bắt đầu tăng giá có thể chủ động không mua đuổi mà ngồi chờ CP tăng giá để hưởng thành quả.
Hiện nay VN Index đang tiệm cận một ngưỡng cản khá mạnh 550 điểm. Có thể trong những ngày đầu tuần, lượng bán ra sẽ chiếm ưu thế tại một số thời điểm do e ngại về khả năng không vượt qua được 550 điểm của VN Index từ những phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, khả năng VN Index giảm điểm trở lại khó xảy ra khi các blue chip trong tuần rồi đã cho thấy khả năng giữ giá khá tốt, lượng bán ra đều được hấp thụ. Chứng tỏ các NĐT còn kỳ vọng một mức giá cao hơn cho TTCK trong thời gian sắp tới. |
Trong khi đó, khối tự doanh của các CTCK vừa bắt đáy vừa chốt lời liên tục. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, những phiên mua ròng, bán ròng của khối này xuất hiện xen kẽ nhau. Từ đây cũng phần nào cho thấy chiến thuật giao dịch của các CTCK lúc này khá chắc chắn, mua giá thấp, có lãi bán ngay. NĐT cá nhân có thể đi sau một chút, mua vào khi nhận thấy những tín hiệu tích cực của thị trường và cũng vì vào sau nên phải khi nào có lãi mới chốt.
Về mặt kỳ vọng sinh lời, lãi khoảng 20% chỉ chưa đầy 1 tháng là rất thành công với các quỹ ngoại nên hoạt động chốt lời có thể được tiến hành. Nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, khả năng các quỹ đánh nhanh rút gọn khó xảy ra vì 4 lý do chính: Thứ nhất, những ngày gần đây những thông điệp về việc đảm bảo lợi ích, hỗ trợ NĐTNN liên tục được cơ quan quản lý phát ra nên kỳ vọng về kinh tế Việt Nam và TTCK nói riêng vẫn sẽ được đảm bảo. NĐTNN vẫn sẽ giải ngân với mục tiêu trung, dài hạn chứ không phải lướt sóng.
Thứ hai, các quỹ ngoại tham gia TTCK trong thời gian gần đây có nhiều quỹ mới, thậm chí có những quỹ mới huy động được vốn. Do vậy vấn đề của các quỹ này là chọn CP để giải ngân hơn là tìm cách bán ra, nên họ hoàn toàn có thể nắm giữ với thời gian dài.
Thứ ba, các quỹ mua vào thường với khối lượng lớn, nên trừ những trường hợp bất khả kháng mới phải bán ra ồ ạt, bằng không sẽ lựa chọn những thời điểm thuận lợi để thực hiện. Và đặc biệt khi NĐTNN tham gia TTCK Việt Nam đều có tầm nhìn trong trung và dài hạn, không có lý do gì để vừa mua vào đã bán ra ngay.
Với các CTCK, giá trị giao dịch của khối tự doanh cũng chỉ ở tầm vài chục tỷ đồng mỗi phiên, tại một số thời điểm mới được đẩy mạnh lên mức trăm tỷ đồng, nhưng cũng rất hiếm hoi. Nên dù cho khối này có bán giá trị cũng không lớn và thời gian cũng không kéo dài để ảnh hưởng đáng kể đến thị trường.
NĐT nội toan tính
Như vậy, khả năng NĐT tổ chức sẽ bán ra trong ngắn hạn khó xảy ra. Vậy nên diễn biến của thị trường trong những ngày sắp tới có thể do NĐT cá nhân quyết định. Trong 2 phiên cuối tuần 22 và 23-5, mặc dù về điểm số VN Index và HNX Index không sụt giảm quá mạnh, nhưng sự phân hóa đã diễn ra rất rõ tại nhóm mid cap và penny.
Đã bắt đầu có những sự dịch chuyển từ những CP không thể tăng thêm sang những CP “khỏe” hơn. Nhìn vào thanh khoản của thị trường và các giao dịch trên bảng điện, có thể thấy lượng mua vào và bán ra của NĐT cá nhân khá cân bằng, nhưng điều đáng lo chỉ cần một vài yếu tố tác động sẽ bị lệch theo chiều hướng thiếu tích cực.
Có thể kể ra đây một số yếu tố: Thứ nhất, tại một số mid cap và penny, có thể các NĐT lớn vẫn còn “kẹp hàng” nên nếu CP đó không có yếu tố đặc biệt để kỳ vọng lượng cung có thể gia tăng trong thời gian tới, khiến cho khả năng tăng giá trở nên khó khăn.
NĐT nào mua phải những CP dạng này sau một thời gian không thấy sinh lãi cũng sẽ lại bán ra để thu hồi vốn hoặc cắt lỗ. Hoạt động bán ra này có thể không ảnh hưởng đến thị trường chung, nhưng đối với một số NĐT là rất rõ ràng.
Thứ hai, trong thời điểm thị trường đi ngang, NĐT tổ chức nghỉ ngơi, sân chơi nhường lại cho một số NĐT lớn khác, những động thái kiểu như “đẩy”, “đè”, “xả” rất dễ xuất hiện.
Chẳng hạn để “gom hàng”, những tay to có thể tiến hành đè giá CP xuống trong phiên hoặc vài phiên để các NĐT khác bán theo, sau khi gom đủ lại đẩy lên lại. Ngoài các yếu tố này, khi thị trường đi ngang, ổn định trở lại cũng là lúc các NĐT sẽ tiến hành tái cơ cấu danh mục, theo kiểu những CP hàng nóng, đầu cơ có thể sẽ được thay thế bằng những CP an toàn hơn.
Thứ ba, ở chiều ngược lại, khi lượng bán ra gia tăng, đẩy CP về mức giá hấp dẫn hơn, lượng mua vào cũng sẽ nhiều tương ứng. Mặc dù nhiều CP đã tăng giá 20-30% trong thời gian qua, nhưng so với mức giá đỉnh hồi quý I-2014 và mức định giá vẫn còn rất hấp dẫn, nên chỉ cần giảm trở lại khoảng 5-10% có thể lực cầu sẽ xuất hiện.
Nguồn: FPTS
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]