Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Tin nhanh chứng khoán

Năm buồn cổ phiếu ngành thép?

Tác giả : AA006 | 27 - 05 - 2014 | 10:32 AM | 1404 Lượt xem

Hoạt động của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thép đang niêm yết trên TTCK phụ thuộc lĩnh vực bất động sản. Trong quý I vừa qua, chỉ có vài DN lớn còn duy trì lợi nhuận tốt, còn lại 70% DN thép bị thua lỗ và giảm lãi.

Theo dự báo, DN ngành Thép sẽ gặp nhiều khó khăn khi hội nhập sâu rộng thế giới. Thép nhập khẩu vào Việt Nam mạnh hơn, sự bảo hộ thép bằng thuế quan sẽ giảm đi, còn hoạt động xuất thép lại phải đối mặt với nhiều vụ kiện…

Lĩnh vực kinh doanh thép chịu áp lực nặng nề bởi kinh tế khó khăn, ngành xây dựng đình đốn. Chỉ có ít DN lớn đầu tư mạnh, cải tổ thành công cho ra đời những sản phẩm tốt, cạnh tranh trên thị trường mới có lãi lớn, nhiều đối thủ lâm cảnh thua lỗ.

Hết lãi đột biến

Trong năm qua, ngành Thép chứng kiến một số đại gia lãi sau thuế tăng hàng chục thậm chí là cả 100%. Giá cổ phiếu liên tục leo dốc, tăng đột biến so với thị trường chung, giúp nhiều ông chủ DN ngành Thép trở lại vị thế những đại gia giàu nhất sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, bước sang quý I năm nay, số DN công bố đạt lợi nhuận chỉ còn vài đơn vị như: HPG, SSM, VGS và DTL. Trong đó, thép Hòa Phát (HPG) vẫn giữ vị thế nổi bật nhất khi lãi ròng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 870 tỷ đồng. HPG đã ghi nhận doanh thu từ bán căn hộ của dự án Mandarin Garden.

Các DN trong ngành Thép đang vật lộn với những khó khăn chung của thị trường. Tôn Hoa Sen (HSG) không còn lợi thế về nguyên liệu như năm trước thì 3 tháng đầu năm 2014 chỉ đạt gần 68 tỷ đồng lợi nhuận, chưa bằng 1/3 kết quả của cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, cho 6 tháng đầu niên độ 2013 - 2014 của HSG chỉ đạt lãi ròng hơn 170 tỷ đồng, thực hiện 28% kế hoạch cả năm.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG, cho biết hơn 50% lợi nhuận của HSG trong niên độ 2012 - 2013 đến từ đầu cơ nguyên liệu. Như vậy, trong bối cảnh khủng hoảng, HSG lại thành công bằng việc nhập nguyên liệu khi giá xuống thấp góp phần làm giảm giá thành. "Giờ yếu tố này không còn, nhiều khả năng lợi nhuận của HSG có thể giảm 20%", chứng khoán SSI nhận định.

Thép Dana - Ý (DNY) có mức giảm lợi nhuận lớn nhất (hơn 90%). Theo giải thích của DNY, trong 3 tháng đầu năm 2014, công ty chỉ sản xuất 50% công suất trong khi chi phí khấu hao của dây chuyền luyện - cán thép ở mức khá cao.

Đối với Thép Nam Kim (NKG), công ty này cho biết lãi ròng quý I giảm 60% so cùng kỳ năm trước do chi phí khấu hao tài sản cố định tăng lên, cộng với tình hình giá nguyên vật liệu đầu và chi phí vận chuyển cũng tăng cao.

Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) không còn lợi nhuận đột biến từ việc sáp nhập Công ty Phúc Tiến (PHT) với khoản hoàn nhập dự phòng về đầu tư chứng khoán mã PHT hơn 106 tỷ đồng, nên lợi nhuận sụt giảm.

Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực này cho biết, sau một khoảng thời gian dài thị trường thép biến động không theo quy luật, giá thép liên tục sụt giảm do mất cân đối cung cầu trên thị trường. Hiện thị trường đã ổn định hơn, nhưng lượng tồn kho ở các nhà máy thép vẫn còn cao khi ngân hàng vẫn siết chặt lãi vay. Tổng số hàng tồn kho lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, nhưng DN không bán hàng bằng mọi giá cũng là tín hiệu tốt cho ngành thép.

Thua lỗ, huỷ niêm yết

Một số DN khác thì rơi vào cảnh thua lỗ nghiêm trọng mà chưa có lối nào thoát ra được. Với mức lỗ hơn 13 tỷ đồng trong quý I/2014, Nam Vang (NVC) đã thua lỗ 9 quý liên tiếp kể từ quý IV/2011. Lỗ lũy kế của NVC đến 31/03/2014 đã hơn 364 tỷ đồng, cao hơn gấp 2 lần so với vốn điều lệ thực góp của công ty. Cổ phiếu này đã rớt thảm hại về mức vài trăm đồng khi chính thức nhận quyết định hủy niêm yết bắt buộc vào ngày 26/05.

Thép Hữu Liên Á Châu (HLA), mới qua 3 quý liên tiếp thua lỗ mà đã vượt quá vốn điều lệ thực góp. Đây là những năm tháng khó khăn nhất sau 35 năm hoạt động của mình. Có nghĩa là 6 tháng cuối niên độ tài chính 2013-2014 mà HLA không thay đổi tích cực trong kết quả kinh doanh thì cũng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Hiện, thị phần của công ty này giảm từ 20% xuống còn trên 10%.

Ông Trần Tuấn Nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Hữu Liên Á Châu, phân trần nguyên nhân gây lỗ nặng là năm 2013, DN liên tục vấp phải thất bại về huy động vốn nên phải vay ngân hàng với lãi cao. Theo lãnh đạo này, "từng có thời điểm, công ty phải chịu lãi suất tới 20%. Dù vay ngân hàng nhưng vẫn không đủ vốn sản xuất khiến năng suất đơn vị giảm tới 50%".

Công ty CP thép Pomina (POM), đơn vị chiếm 16% thị phần ngành Thép, sau khi báo lỗ khủng khiếp năm 2013 thì sang quý I năm nay vẫn chịu sự thua lỗ. Theo lãnh đạo công ty, ngoài lãi suất ngân hàng cho vay cao, nhà máy mới đã vào hoạt động phải khấu hao lớn nên gặp nhiều khó khăn.

Theo đánh giá chung, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào của ngành Xây dựng (đầu ra chủ yếu của ngành Thép) có tăng, nhưng không đáng kể. Các DN ngành Thép chưa thể phát huy hết sức mạnh của mình để gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

Các DN thép có quy mô nhỏ còn phải chịu thêm áp lực cạnh tranh với các DN lớn, tên tuổi. Thực tế, chỉ có quy mô vốn và công nghệ là 2 yếu tố chính quyết định lời, lãi của DN.

Các công ty quy mô vốn nhỏ không có lợi thế, rất khó để đầu tư công nghệ và tạo ra bứt phá hay cải tiến mạnh để gia tăng lợi nhuận. Dù vậy, các chuyên gia vẫn kỳ vọng khi lĩnh vực bất động sản khởi sắc thì sẽ vẫn còn cơ hội cho các DN ngành Thép thoát khỏi tình trạng thua lỗ như hiện nay.

Nguồn: FPTS


Tag:
  • TTCK
  • ,
  • Share: 

    Hotline:

    (84) 2253 250 250

    Email:

    [email protected]