Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Tin nhanh chứng khoán

Mục sở thị 5 mã cổ phiếu mới trong HNX30

Tác giả : AA006 | 04 - 06 - 2014 | 2:14 PM | 1445 Lượt xem

Trong kỳ xem xét thứ 6 (áp dụng ngày 5/5), Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã công bố 5 cổ phiếu bị loại ra và 5 cổ phiếu thay thế trong danh mục các cổ phiếu tính chỉ số HNX30, bao gồm PVX, KLF, HMH, DXP và TCT.

PVX

Trong 5 cổ phiếu mới được thêm vào rổ HNX30 thì chỉ có PVX của CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam là đang gánh khoản lỗ lên đến nghìn tỷ đồng, nhưng thanh khoản đáng nể, bình quân trên 8,5 triệu CP/ngày (trong tháng 5), KLGD cao nhất là 14,35 triệu cổ phiếu trong phiên ngày 20/5/2014.

PVX gây chú ý với NĐT bằng thông tin lợi nhuận hợp nhất năm 2011 là 590 triệu đồng (theo số liệu điều chỉnh năm 2014), thay cho con số âm 196 tỷ đồng trước đó. PVX đề nghị được ra khỏi diện bị kiểm soát do năm 2011 vẫn có lãi. Năm 2013, PVX lỗ hơn 2.100 tỷ đồng, khoản phải thu ở mức cao 5.500 tỷ đồng. Sang quý I/2014, Công ty tiếp tục lỗ 163 tỷ đồng, lỗ lũy kế 3.360 tỷ đồng, so với vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản phải thu cuối quý I/2014 của PVX lên tới 6.346 tỷ đồng, trong đó, Công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi 1.432 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, mục tiêu tái cấu trúc toàn diện để giải quyết triệt để quan hệ tín dụng, bảo lãnh tín dụng với các đơn vị thành viên của PVX đến nay vẫn chưa có kết quả rõ rệt. Kết thúc quý I/2014, Công ty chưa thoái vốn khỏi bất kỳ công ty con hay công ty liên kết, liên doanh nào.

Theo ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia chiến lược thị trường CTCK MB, hoạt động kinh doanh của PVX đang gặp nhiều khó khăn do đầu tư dàn trải vào nhiều công ty con, công ty liên kết, với số lượng vốn lớn, nhưng lại không phát huy hiệu quả. Cụ thể, một số công ty con, công ty liên kết của PVX đang hoạt động rất khó khăn và tạo áp lực lên kết quả kinh doanh của PVX như PVL, PXL, PTL, PXI, PVC-ME, PSG và Xi măng Hạ Long. Mặc dù PVX đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh không hiệu quả, song tiến trình này diễn ra rất chậm. Sức khỏe tài chính của Công ty suy giảm mạnh khi vay nợ tăng cao khiến áp lực lãi vay cao, trong khi dòng tiền yếu khiến Công ty chưa thể trả bớt nợ vay.

Vẫn có những ý kiến cho rằng, nếu PVX hoàn thành các hợp đồng xây dựng, Công ty sẽ hoàn nhập số tiền tương ứng, cải thiện kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, PVX cũng có khả năng sẽ thu được khoản lợi nhuận từ việc thực hiện hợp đồng tổng thầu EPC Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trị giá 1,2 tỷ USD nhờ sự hỗ trợ từ công ty mẹ PVN.

KLF

Thanh khoản thấp hơn PVX, mã KLF của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF vẫn đạt được mức giao dịch trung bình 2,38 triệu/CP (từ 5/5 - 3/6). Phiên giao dịch ngày 3/6, KLF đạt KLGD cao với 4,845 triệu cổ phiếu, đây cũng là phiên mà 26 triệu cổ phiếu niêm yết bổ sung của KLF chính thức được giao dịch.

Năm 2014, KLF dự kiến phát hành thêm 74 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.480 tỷ đồng, giá phát hành dự kiến từ 10 - 11.000 đồng/CP. Trước đó, chỉ trong năm 2012, KLF đã có nhiều đợt tăng vốn, từ ban đầu 5 tỷ đồng, lần lượt tăng đợt 1 lên 50 tỷ đồng, đợt 2 lên 80 tỷ đồng và đợt 3 lên 260 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của KLF là 740 tỷ đồng. Theo KLF, nguồn vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được KLF góp vốn hợp tác kinh doanh với công ty TNHH Đầu tư và quản lý tòa nhà ION Complex để thực hiện dự án cao ốc FLC Complex 36 Phạm Hùng. Được biết, tổng dự toán xây dựng công trình dự kiến là 1.100 tỷ đồng.

KLF cũng lên kế hoạch tăng mạnh doanh thu lên 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 82 tỷ đồng, trong khi đó, năm 2013, Công ty đạt hơn 391 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 34,53 tỷ đồng. Kết thúc quý I/2014, doanh thu hợp nhất của KLF đạt hơn 124 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 19,6 tỷ đồng, Công ty không vay nợ dài hạn. Cả năm 2013 và quý I năm nay, lợi nhuận KLF chủ yếu đến từ lãi của các khoản ủy thác đầu tư.

DXP

Mức cổ tức năm 2013 là 3.500 đồng/CP, tương đương tỷ suất cổ tức 8% là điểm cộng cho cổ phiếu DXP của CTCP Cảng Đoạn Xá. Năm 2014, DXP lên kế hoạch 200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng, các chỉ tiêu này gần như không đổi so với cùng kỳ. Cổ tức vẫn ở mức hấp dẫn khoảng 3.000 đồng/CP. Hiện DXP đang gặp phải áp lực cạnh tranh từ cụm cảng Hải Phòng với nhiều cảng mới có vị trí đẹp, trong khi cảng của DXP lại nằm sâu trong thành phố, và chỉ tiếp nhận được tàu có trọng tải nhỏ, khoảng 10.000 DWT. Trong khi đó, DXP chưa có thêm kế hoạch mở rộng nào khác. Theo đánh giá của một CTCK, khả năng tăng trưởng của Công ty không còn cao. Tuy nhiên, DXP là công ty có sức khỏe tài chính khá tốt với vay nợ thấp và dòng tiền lành mạnh. Tính đến cuối quý I/2014, DXP không có nợ dài hạn, chỉ có nợ ngắn hạn gần 53 tỷ đồng.

HMH

HMH của CTCP Hải Minh cũng có mức cổ tức năm 2013 hấp dẫn, 17% bằng tiền mặt. Năm 2014, HMH lên kế hoạch 112,8 tỷ đồng doanh thu và 18,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tổng lợi nhuận hợp nhất 33,9 tỷ đồng, giảm 13,65% so với mức thực hiện năm 2013. Cổ tức dự kiến từ 12 - 17%, bằng tiền.

Quý I/2014, HMH đạt 23,5 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 11,36 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 11,31 tỷ đồng. Qua các năm, doanh thu và lợi nhuận của HMH khá ổn định, hoạt động chính của Công ty là dịch vụ hàng hải (kinh doanh kho bãi, dịch vụ bốc xếp…) vẫn mang lại lợi nhuận khả quan.

Tuy nhiên, năm 2014, HĐQT HMH đánh giá là năm khó khăn và cạnh tranh khốc liệt. Cụ thể, tại khu vực Hải Phòng, các cảng đã và đang dịch chuyển dần xuống khu vực hạ lưu Sông Cấm và các hãng tàu cũng có xu thế rời tàu xuống khu vực gần biển để giảm bớt chi phí. Cùng với việc dịch chuyển trên, việc thành lập mới các khu dịch vụ kho bãi mới cũng có xu hướng di chuyển theo. Tại khu vực TP. HCM, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty không có, do vậy, việc thu hút dịch vụ gặp khó khăn.

Theo đó, nhằm tăng cường vị thế trên thị trường, HMH đang lên kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, tuy nhiên, Công ty chưa xác định được định hướng các hạng mục, dự án đầu tư trọng điểm. Trước mắt, HMH sẽ tìm kiếm phương án đầu tư Depot tại TP. HCM, khai thác sà lan đóng mới, loại có trọng tải phù hợp với hoạt động trên tuyến TP. HCM - Đồng bằng sông Cửu Long.

TCT

Cổ phiếu cuối cùng lọt vào HNX30 lần này là TCT của CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh. Quý I năm nay, TCT đạt 73,05 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi thuần 60,85 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 12% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 48,34 tỷ đồng, tăng 19% so với quý I năm 2012.

Hoạt động kinh doanh của TCT được đánh giá tốt và ổn định nhờ lợi thế độc quyền khai thác tuyến cáp treo tại khu du lịch di tích Núi Bà Đen. Theo ông Tuấn, với lượng khách tham quan hàng năm luôn đạt mức cao, nhất là vào mùa lễ hội, các tuyến cáp treo của Công ty đều hoạt động hết công suất. Kết quả quý I khả quan cũng một phần nhờ vào yếu tố tăng giá vé dịch vụ cáp treo. Bên cạnh đó, sức khỏe tài chính Công ty rất tốt, trong 4 năm liên tiếp, chỉ có năm 2013 TCT có khoản vay ngắn hạn 5 tỷ đồng, còn lại hầu như là không vay nợ.

Nguồn: FPTS


Tag:
  • TTCK
  • ,
  • Share: 

    Hotline:

    (84) 2253 250 250

    Email:

    [email protected]