Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Sản phẩm - dịch vụ

Một số điểm mới của Luật Hải quan 2014

Tác giả : AA003 | 29 - 07 - 2014 | 8:43 AM | 2110 Lượt xem

Ngày 23/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Hải quan số 54/2014/QH13 có hiệu lực từ 01/01/2015. Tài Việt điểm qua một số nội dung mới của Luật Hải quan 2014 như sau: 

Về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan:

Theo đó, Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải; hỗ trợ hoạt động phòng, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan bao gồm việc thu thập, xử lý thông tin hải quan; xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro; tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý hải quan phù hợp.

Về địa điểm làm thủ tục hải quan, Luật hải quan mới quy định rõ hơn về các địa điểm như sau:

Thứ nhất, địa điểm làm thủ tục hải quan là nơi cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.

Thứ hai, địa tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan là trụ sở Cục Hải quan, trụ sở Chi cục Hải quan.

Thứ ba, địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm:

- Địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;

- Trụ sở Chi cục Hải quan;

- Địa điểm kiểm tra tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

- Địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình; nơi tổ chức hội chợ, triển lãm;

- Địa điểm kiểm tra tại khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ;

- Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ;

- Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong trường hợp cần thiết.

Về hồ sơ hải quan, Luật Hải quan 2014 quy định như sau:

- Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan; 

- Chứng từ có liên quan.

Tùy từng trường hợp, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Hồ sơ hải quan được nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan tại trụ sở cơ quan hải quan. Trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp.

Bổ sung thêm về quyền của người khai hải quan:

Người khai hải quan yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan hải quan;

Bổ sung thêm về nghĩa vụ của người khai hải quan:

Ngoài việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình thì người khai hải quan còn chịu trách nhiệm về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan;

Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để cơ quan hải quan thực hiện xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa;

Bổ sung thêm về kiểm tra hàng hóa:

Theo đó, hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây được miễn kiểm tra thực tế:

- Hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp;

- Hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;

- Hàng hóa thuộc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng hóa nêu trên mà phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải được kiểm tra thực tế.

Bổ sung thêm quy định về chế độ ưu tiên với doanh nghiệp:

Theo đó, doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 02 năm liên tục;

- Có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng năm đạt mức quy định;

- Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tinquản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan;

- Thực hiện thanh toán qua ngân hàng;

- Có hệ thống kiểm soát nội bộ;

- Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán.

Chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp:

- Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

- Được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc kể từ ngày nộp chứng từ thay thế tờ khai hải quan, người khai hải quan phải nộp tờ khai hải quan hoàn chỉnh và các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan.

- Được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế.

Bổ sung thêm 02  loại hàng hóa tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu ngoài các hàng hóa theo quy định trước đây:

- Phương tiện quay vòng để chứa hàng hóa;

- Máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, khuôn, mẫu theo các hợp đồng thuê, mượn để sản xuất, thi công;

Bổ sung thêm các quy định về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu:

Theo đó, trách nhiệm của cơ quan hải quan trong kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng. Cơ quan hải quan có trách nhiệm:

- Kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất; năng lực gia công, sản xuất của tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu;

- Kiểm tra việc sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu trong quá trình gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, kiểm tra số lượng hàng hóa tồn kho của tổ chức, cá nhân gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu;

- Kiểm tra việc quyết toán, quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư của tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu.

Bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu:

- Thông báo cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu với cơ quan hải quan.

- Sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu vào mục đích gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng thì phải làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật này.

- Lưu giữ hàng hóa xuất khẩu, nguyên liệu, vật tư sử dụng để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong khu vực sản xuất; trường hợp lưu giữ ngoài khu vực sản xuất phải được sự đồng ý của cơ quan hải quan.

- Thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, kế toán, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào, đưa ra cơ sở gia công, sản xuất; xuất trình sổ sách, chứng từ, hàng hóa khi cơ quan hải quan kiểm tra.

- Thực hiện báo cáo quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan

Về khai một lần để xuất, nhập khẩu nhiều lần:

Người khai hải quan được nộp tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan để thông quan và hoàn chỉnh tờ khai hải quan trong thời hạn quy định của Luật này, khai một lần để xuất khẩu, nhập khẩu nhiều lần trong một thời gian nhất định đối với mặt hàng nhất định.

Đây là chế độ ưu tiên dành cho doanh nghiệp và mặt hàng phục vụ yêu cầu khẩn cấp, chuyên dùng cho an ninh, quốc phòng.

Về khai bổ sung sau thông quan

Luật hải quan 2014 cho phép khai bổ sung các nội dung trên tờ khai trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm. Quá thời hạn quy định, người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 Khai thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu: 

Hàng hóa đang được làm thủ tục hải quan hoặc đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng vẫn đang chịu sự giám sát hải quan, người khai hải quan được thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan.

Sửa đổi về kiểm tra sau thông quan:

Thời hạn kiểm tra sau thông quan là 5 năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan thay vì kể từ ngày hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thông quan theo quy định cũ.

Về các trường hợp kiểm tra sau thông quan ngoài việc kiểm tra sau thông quan phát hiện dấu hiệu vi phạm thì việc kiểm tra sau thông quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.

Ngoài ra, Luật Hải quan 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13 chi tiết như sau:

 1. Sửa đổi khoản 5 Điều 4 về nguyên tắc quản lý thuế như sau:

“5. Áp dụng chế độ ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nếu người nộp thuế đáp ứng đủ các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật hải quan.”

2. Sửa đổi khoản 4 Điều 32 về thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế như sau:

“4. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định của Luật hải quan.”

3. Sửa đổi khoản 2 Điều 34 về khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau:

“2. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định của Luật hải quan.”

4. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 78 về kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế như sau:

“b) Các trường hợp kiểm tra sau thông quan theo quy định của Luật hải quan.

Khi kiểm tra sau thông quan nếu phát hiện có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế thì Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng Cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 4 Chương X của Luật này;”

5. Bãi bỏ điểm d khoản 3 Điều 77; bỏ cụm từ “và điểm d” tại điểm a khoản 1 Điều 78; bỏ cụm từ “tại trụ sở người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này” tại điểm a khoản 2 Điều 107.

6. Sửa cụm từ “kể từ ngày đăng ký tờ khai” tại điểm a khoản 2 Điều 107 về xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuếđược hoàn  thành cụm từ “kể từ ngày thông quan”.

Luật Hải quan 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 chi tiết như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 122 về tạm giữ người theo thủ tục hành chính như sau:

“1. Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.”

2. Sửa đổi đoạn đầu khoản 1 Điều 123 về thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính như sau:

“1. Trong trường hợp có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy định tại khoản 1 Điều 122 của Luật này, thì những người sau đây có quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính:”

Luật này thay thế Luật hải quan số 29/2001/QH10 và Luật số 42/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan.

Nguồn: Tài Việt


Share: 

Hotline:

(84) 2253 250 250

Email:

[email protected]