Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Tin nhanh chứng khoán

Marc Faber: Hãy tích lũy cổ phiếu Việt Nam

Tác giả : AA006 | 04 - 06 - 2014 | 2:14 PM | 1620 Lượt xem

Thông tin thú vị mà nhà tư vấn huyền thoại thế giới, TS. Marc Faber chia sẻ với ĐTCK mới đây là vào đúng ngày TTCK Việt Nam hoảng loạn, nhà đầu tư bán tháo trước nỗi bất an về căng thẳng trên biển Đông (ngày 8/5/2014), ông cũng có mặt tại Việt Nam.

Cảm nhận rõ nét sự lo lắng của nhà đầu tư, nhưng TS. Marc Faber khẳng định, “bóng mây” biển Đông sẽ không thể làm TTCK Việt Nam giảm mạnh, chứng khoán Việt Nam không hề đắt và ông đã khuyến nghị khách hàng của mình hãy tích lũy cổ phiếu Việt Nam.

Marc Faber đã ở Việt Nam đúng “ngày hoảng loạn”

Nhà tư vấn đầu tư huyền thoại TS. Marc Faber, diễn giả chính tại VIF 2014 sẽ diễn ra vào ngày 19/4/2014 tại TP. HCM cho biết, vào ngày 7/5/2014 ông đang nghỉ tại khu Nam Hải Resorts, Hội An. Đêm đó, các máy bay trực thăng của Việt Nam liên tục tuần tra vùng bờ biển. Đó là ngày Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam với 70 chiếc tàu, trong đó có những tàu chiến, bao quanh giàn khoan này.

Bản tin “The Gloom, Boom & Doom Report” tháng 6/2014 do Marc Faber gửi Đầu tư Chứng khoán đã ghi nhận lại rằng, tâm lý thị trường suy sụp trong ngày 8/5/2014, TTCK giảm mạnh chưa từng có khi VN-Index mất liền 32,88 điểm, tương đương 5,87%. Cũng theo bản tin này, năm 2012, chứng khoán Việt Nam đã tăng 18,9%, năm 2013 tăng 20,5% và 4 tháng đầu năm 2014 tăng 14,6%. Sau khi giảm mạnh, VN-Index hiện vẫn đang ở mức cao hơn cuối năm ngoái.

Ông viết: “Chứng khoán Việt Nam cần có thời gian để phục hồi trở lại. Tuy nhiên, vì giá cổ phiếu đang ở mức thấp và triển vọng kinh tế Việt Nam về tổng thể rất tốt (Asianomics vừa ra một báo cáo rất tích cực về Việt Nam), nên tôi không nhìn thấy rủi ro về một xu hướng giảm điểm ở mức giá hiện tại”.

Xin nói thêm, Asianomics mà Marc Faber đề cập là một công ty nghiên cứu độc lập chuyên cung cấp các báo cáo nghiên cứu chuyên sâu cho các nhà đầu tư tổ chức nhắm đến thị trường châu Á hoặc quan tâm đến ảnh hưởng của châu Á đối với danh mục đầu tư của họ. Nhà kinh tế và chiến lược gia Jim Walker là người sáng lập và là Giám đốc điều hành Asianomics. Với Marc Faber, Jim Walker là một người bạn và ông xem Jim Walker là nhà kinh tế lỗi lạc nhất tính từ thời Adam Smith.

Nói về chứng khoán Việt Nam, trả lời phỏng vấn Đầu tư Chứng khoán qua điện thoại, TS. Marc Faber cho rằng, hoảng loạn tâm lý chỉ là tức thời, chứng khoán Việt Nam đang rất hấp dẫn theo quan điểm đầu tư dài hạn. Ông cho biết đã khuyến nghị các nhà đầu tư là khách hàng của mình bỏ tiền tích luỹ cổ phiếu Việt Nam.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam hiện nay?

Như bạn biết, tôi hiện là Chủ tịch của Indochina Capital và Chủ tịch của Quỹ Vietnam Growth Fund do Dragon Capital quản lý. Tôi cũng là cổ đông của Hyatt Hotel tại Việt Nam và tôi có một căn biệt thự ở đó. Tôi là nhà đầu tư tại Việt Nam và về dài hạn tôi tin rằng, Việt Nam đang có những cơ hội hấp dẫn.

Ông tham gia vào các quyết định đầu tư tại Indochina Capital và Vietnam Growth Fund đến mức nào?

Về cơ bản, HĐQT không đưa ra các quyết định đầu tư. Đó là công việc của Ban điều hành. Trách nhiệm của HĐQT là đại diện cho tất cả cổ đông có lợi ích liên quan và phải đảm bảo lợi ích của họ được đối xử một cách công bằng.

Ông có kế hoạch gì mới tại Việt Nam không?

Tôi sở hữu cổ phiếu Việt Nam. Sau những đợt phục hồi mạnh mà chúng ta đã chứng kiến trong 2 năm qua và đến tháng 4 năm nay, thị trường đã lùi lại do tình hình căng thẳng trên biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tôi cho rằng, chứng khoán Việt Nam sẽ chưa thể tăng mạnh và sẽ biến động quanh mức hiện nay, nhưng như thế nó đang tạo ra một cơ hội tham gia tương đối hấp dẫn.

Vậy ông có định tiếp tục đầu tư vào Việt Nam không?

Có. Tôi đã tham gia đầu tư vào Việt Nam từ những năm 1990 khi chúng tôi xây dựng dự án đầu tiên Furama Resort tại Đà Nẵng, nhưng chúng tôi đã bán đi. Sau đó, chúng tôi đầu tư phát triển khu Nam Hải Resorts thông qua một quỹ đầu tư do Indochina Capital quản lý. Hyatt Hotel (Regency Danang Resort and Spa – PV) cũng là dự án do một quỹ khác của Indochina Capital đầu tư. Chúng tôi đã đầu tư vào Việt Nam và tôi sẽ còn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Có phải vì cơ hội đầu tư tại Việt Nam tốt hơn nơi khác, thưa ông?

Thế giới là một không gian rộng lớn và có rất nhiều cơ hội đầu tư ở khắp mọi nơi. Tôi là một nhà đầu tư quốc tế (và cũng là một nhà tư vấn đầu tư - PV), tôi đã nói với khách hàng của tôi rằng, hãy bỏ tiền vào Việt Nam. Nếu so sánh, có thể nói các thị trường khác đã “trưởng thành”.

Cuối năm ngoái, ông có nói chứng khoán Việt Nam là một trong ba lựa chọn duy trì vị thế mua tốt nhất trong năm 2014. Trước những căng thẳng diễn ra trên biển Đông gần đây khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng và bán tháo cổ phiếu, ông có muốn thay đổi nhận định của mình?

Chứng khoán Việt Nam (chỉ số VN-Index - PV) đã tăng khoảng 8% trong năm nay, mức tăng chắc chắn tốt hơn nhiều so với S&P 500 của Mỹ và Russel 2000. Nhưng như tôi đã nói, tôi không nghĩ đà tăng sẽ tiếp tục mạnh, do sự kiện biển Đông đã tạo ra bóng mây bao phủ lên thị trường tài sản của Việt Nam. Tôi không thấy khả năng tăng mạnh tại thời điểm này, nhưng tôi cũng không thấy rủi ro nào về một xu hướng giảm điểm tiếp theo. Tôi tin rằng, những căng thẳng trên biển Đông sẽ được giải quyết thông qua đàm phán, dù điều đó có thể chưa xảy ra ngay.

Nhiều ý kiến cho rằng, TTCK Việt Nam đã phản ứng thái quá ngay sau khi căng thẳng trên biển Đông diễn ra và phản ứng này hơi khác so với các thị trường khu vực. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Tôi không cho rằng phản ứng như thế là thái quá. Về kinh tế, Việt Nam sẽ chịu những tác động tiêu cực do thương mại song phương giữa 2 nước khá lớn, hiện vào khoảng 50 USD mỗi năm và Trung Quốc là một nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Hơn nữa, thị trường điều chỉnh còn vì nó đã tăng mạnh trong năm 2012 và 2013 và tính đến tháng 4 năm nay thì Việt Nam là một trong các thị trường có mức tăng cao nhất thế giới. Hoạt động chốt lời là hành động khó tránh khỏi sau một quá trình dài thị trường tăng điểm.

Ông thường phản ứng như thế nào khi thị trường nơi ông đầu tư có dấu hiệu hoảng loạn?

Tôi đã tham gia vào thị trường chứng khoán từ năm 1970 và tôi đã chứng kiến rất nhiều các cuộc bán tháo đột ngột, thậm chí kinh khủng hơn rất nhiều so với đợt bán tháo vừa rồi trên TTCK Việt Nam. Trong những ngày đầu khi xảy ra bán tháo, người ta thường không vội mua vào. Hiện tại, như tôi đã đề cập, tôi cho rằng chứng khoán Việt Nam không hề đắt nếu không muốn nói rẻ một cách khó tin, nhưng điều đó không có nghĩa chúng sẽ tăng mạnh ngay lập tức.

Nếu các nhà đầu tư tại sự kiện Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 sắp tới đề nghị ông chia sẻ chiến lược đầu tư trong một tình huống khi mà thị trường bất an, ông sẽ nói gì?

Đến lúc đó, nếu có ai hỏi tôi sẽ nói. Còn tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014, điều tôi muốn chia sẻ nhất là quan điểm về xu hướng kinh tế toàn cầu, những thay đổi về địa chính trị trên thế giới và các xu hướng tài chính đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở khắp nơi, trong đó có Việt Nam.

Với chủ đề “Sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam?”, Diễn đàn VIF 2014 sẽ được Báo Đầu tư, HVS Việt Nam và AFC phối hợp tổ chức ngày 19/6/2014 tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP. HCM.

Các diễn giả chính của VIF 2014 gồm có: TS. Marc Faber, nhà tư vấn chiến lược đầu tư nổi tiếng thế giới; ông Thomas Hugger, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ AFC (Hong Kong) - người có 30 năm kinh nghiệm đầu tư tại các thị trường mới nổi và ông Don Lam, Tổng giám đốc của Tập đoàn VinaCapital.

VIF 2014 dự kiến thu hút 500 khách tham dự, trong đó khoảng 20% là khách quốc tế.

Nguồn: FPTS


Tag:
  • TTCK
  • ,
  • Share: 

    Hotline:

    (84) 2253 250 250

    Email:

    [email protected]