Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Tin nhanh chứng khoán

Kỳ vọng gì ở tháng 6?

Tác giả : AA006 | 02 - 06 - 2014 | 2:15 PM | 1764 Lượt xem

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua nửa đầu tháng 5 với các phiên giao dịch đầy biến động. Liệu có những nhân tố nào có thể ảnh hưởng tới diễn biến của VN-Index trong tháng 6?

“Dớp” giảm điểm trong tháng 5

Nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới hẳn đã quá quen thuộc với câu nói “Sell in May and Go away”. Dựa trên các dữ liệu về lịch sử giao dịch, câu nói này hàm ý khuyên nhà đầu tư trên TTCK hãy bán hết cổ phiếu vào tháng 5 và tạm dừng giao dịch cho đến tháng 11 để tránh sự điều chỉnh mang tính chu kỳ của TTCK từ tháng 5 tới tháng 10. Đối với TTCK Việt Nam năm nay, chiến lược trên nếu được nhà đầu tư áp dụng hẳn vẫn có giá trị, ít nhất là tính đến thời điểm này.

Nhìn lại các sự kiện có thể thấy tình hình căng thẳng trên biển Đông dẫn đến các phiên lao dốc quá mạnh của VN-Index là rủi ro hết sức bất ngờ mà hầu như không nhà đầu tư nào có thể dự đoán được. Tuy vậy, cái “dớp” giảm điểm trong tháng 5 trên thực tế đã được dữ liệu lịch sử chứng minh.

Kể từ năm 2002-2013, trong vòng 12 năm, VN-Index chỉ tăng điểm được ba lần trong tháng 5, chín lần còn lại đều giảm điểm. Xác suất giảm điểm của VN-Index trong tháng 5 do vậy là cao nhất (75%) trong 12 tháng. Trong tháng 5 năm nay, tính đến hết phiên giao dịch ngày thứ Hai đầu tuần (26-5), chỉ số VN-Index đã giảm gần 5% so với thời điểm cuối tháng 4. Có thể từ giờ đến cuối tháng, cùng với đà hồi phục nhẹ như các phiên vừa qua, mức giảm của VN-Index sẽ bớt nhưng một lần nữa cái “dớp” giảm điểm trong tháng 5 lại đúng với TTCK Việt Nam, buộc các nhà đầu tư phải ghi nhớ nếu không muốn tiếp tục thua lỗ trong nghiệp đầu tư.

Bản lĩnh của khối ngoại

Qua các phiên lao dốc vừa qua, một lần nữa người ta phải nhắc đến bản lĩnh của khối ngoại. Tính đến hết phiên 26-5, khối ngoại đã mua ròng hơn 1.600 tỉ đồng trên TTCK Việt Nam, vượt mức mua ròng trong tháng 4 (đã bao gồm giao dịch thỏa thuận trị giá 1.500 tỉ đồng cổ phiếu VIC) và trái ngược hẳn động thái bán ròng gần 1.700 tỉ đồng trong tháng 3. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua ròng kể từ phiên ngày 8-5 (thời điểm bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng niềm tin sau sự kiện biển Đông) đến hết phiên ngày 19-5.

Giá trị mua ròng trung bình của khối ngoại trong giai đoạn này lên tới hơn 200 tỉ đồng/phiên. Mặc dù sau đó họ chuyển sang trạng thái chốt lời bằng việc bán ròng nhẹ hoặc giảm lượng mua ròng nhưng với lượng cổ phiếu lớn đã mua được ở các vùng giá thấp, chắc hẳn khối ngoại hiện đang có một vị thế rất tốt cả về lượng cổ phiếu sẵn sàng chốt lời lẫn biên lợi nhuận đạt được.

Đóng góp trong hoạt động mua ròng của khối ngoại chắc chắn phải kể đến sự nhập cuộc của các quỹ ETF. Kể từ ngày 12-5 đến nay, quỹ VNM do Van Eck quản lý đã huy động được thêm khoảng 750.000 chứng chỉ quỹ, tương đương với khoảng 14,7 triệu đô la Mỹ (hơn 310 tỉ đồng). Trong khi đó, quỹ FTSE (100% vốn đầu tư vào TTCK Việt Nam) do Deutsche Bank quản lý trong bốn phiên cuối tuần trước đã huy động được thêm 640.000 chứng chỉ quỹ, tương đương 16,6 triệu đô la Mỹ (khoảng 350 tỉ đồng).

Nếu so với các thị trường trong khu vực có trình độ phát triển tương đương thì TTCK Việt Nam vẫn có độ hấp dẫn nhất định khi chỉ số P/E hiện mới ở mức khoảng 12,7 lần, trong khi P/E của thị trường Thái Lan khoảng 16 lần, Philippines khoảng 22 lần, Indonesia khoảng 23 lần. Cho dù hoạt động của khối ngoại hiện mang tính chất đầu tư ngắn hạn, mức độ “lướt sóng” cũng đã lớn hơn trước rất nhiều nhưng nhìn chung bản lĩnh và kinh nghiệm đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra hơn hẳn các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt trong những giai đoạn phát sinh rủi ro bất ngờ khiến tâm lý “bán tháo” lấn át trên thị trường.

Kỳ vọng gì ở tháng 6?

Theo số liệu thống kê trong quá khứ, xác suất chỉ số VN-Index giảm điểm trong tháng 6 hàng năm cũng ở mức khá cao (khoảng 40%). Điều này là dễ hiểu nếu xét đến bối cảnh vĩ mô và các yếu tố cơ bản thì giai đoạn cuối quí 2, đầu quí 3 thường là thời điểm “trũng” về mặt thông tin. Thông thường, các chính sách kinh tế vĩ mô thường được đề xướng và khởi động vào cuối quí 4 năm trước, đầu quí 1 năm sau nhằm tạo đà tăng trưởng cho cả năm. Đây cũng là thời điểm TTCK Việt Nam thường có các con sóng lớn mang tính chất chu kỳ trong các năm gần đây.

Ngược lại, sang đến quí 2 và 3, thị trường thường rơi vào trạng thái thất vọng do sự chậm trễ ban hành các chính sách hoặc chuyển sang hoài nghi về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp. Bối cảnh thị trường trong tháng 6 năm nay, nhiều khả năng cũng không phải là ngoại lệ. Tuy vậy, vẫn có một số nhân tố đáng chú ý có thể tác động lên diễn biến thị trường trong tháng tới.

Thứ nhất, nhà đầu tư đã dần thích nghi với các thông tin xoay quanh tình hình biển Đông. Do vậy, tác động của vụ việc này đến biến động chỉ số VN-Index sẽ dần được giảm thiểu. Tuy vậy, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện thêm các thông tin mới với tính chất tiêu cực hơn có thể sẽ khiến nhà đầu tư lại rơi vào trạng thái hoang mang.

Thứ hai, hoạt động tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF vào thời điểm cuối quí 2 có thể tạo nên những con sóng nhỏ do nhà đầu tư nội tranh thủ lướt sóng đón đầu các mã cổ phiếu được khối ngoại cơ cấu lại tỷ lệ trong danh mục mới. Đây là hiện tượng quen thuộc trên TTCK Việt Nam trong khoảng một năm trở lại đây.

Thứ ba, triển vọng kết quả kinh doanh quí 2 của các doanh nghiệp dần được hé lộ trong tháng 6 cũng có thể tạo nên diễn biến phân hóa trên thị trường.

Thứ tư, về các chính sách vĩ mô, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào khả năng mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục giảm trong bối cảnh lạm phát năm tháng đầu năm mới chỉ tăng 1,08% so với cuối năm 2013 và Thủ tướng Chính phủ vẫn hối thúc Ngân hàng Nhà nước xem xét tiếp tục giảm lãi suất.

Mặc dù căn cứ theo tình hình lạm phát, lãi suất vẫn còn có thể giảm thêm khoảng 0,5-1% nhưng kỳ vọng này hiện đang gặp phải nhiều thách thức từ sự cố biển Đông. Thị trường vàng và ngoại tệ đang nhen nhóm yếu tố đầu cơ nên nếu lãi suất huy động tiền đồng lúc này giảm có thể sẽ khiến cho tình hình trở nên phức tạp, buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp mạnh mẽ hơn. Dù sao ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm nay.

Nguồn: FPTS


Tag:
  • TTCK
  • ,
  • Share: 

    Hotline:

    (84) 2253 250 250

    Email:

    [email protected]