Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Sản phẩm - dịch vụ

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi): góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài

Tác giả : AA005 | 23 - 02 - 2014 | 8:28 AM | 1338 Lượt xem

Việc ban hành Luật Đầu tư 2005 đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư kinh doanh của các nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Sau hơn 8 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả tích cực trên, Luật Đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như lĩnh vực địa bàn khuyến khích đầu tư còn dàn trải, thiếu thống nhất và chưa thực sự hướng mạnh vào việc thu hút các dự án đầu tư có chất lượng và hiệu quả; các quy định về thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn phức tạp, tồn tại nhiều đầu mối xem xét…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết Dự thảo Luật lần này được xây dựng dựa trên cơ sở mục tiêu hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư; giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để củng cố, tăng cường cơ chế khuyến khích, bảo hộ đầu tư nước ngoài.

Đi vào chi tiết, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thường trực Tổ biên tập Dự thảo Luật cho biết phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm: hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; chính sách, biện pháp khuyến khích và bảo đảm đầu tư; quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Qua đó, có 5 nội dung chính được thay đổi và cần xin ý kiến đóng góp từ các chuyên gia:

Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài

Việc xác định nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) là cơ sở quan trọng để áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư đối với NĐTNN phù hợp với pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế. Dự thảo Luật quy định khái niệm NĐTNN dựa vào quốc tịch, nơi đăng ký thành lập, tỷ lệ sở hữu, mức độ tham gia quản lý của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong doanh nghiệp đã thành lập tại Việt Nam.

Về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có sở hữu của NĐTNN” chưa được cụ thể, cần quy định rõ hơn về tỷ lệ vốn ĐTNN bao nhiêu được coi là doanh nghiệp có vốn ĐTNN.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp và dự án đầu tư

Dự thảo Luật đã sửa đổi căn bản quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hướng xác định rõ các yêu cầu NĐT phải thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư và trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương trong việc cung cấp thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng; thay Giấy chứng nhận đầu tư bằng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm phản ánh mục đích, bản chất của loại giấy này là ghi nhận việc NĐT đăng ký thực hiện dự án đầu tư; thu hẹp đáng kể diện các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thiết lập cơ chế một cửa tiếp nhận và giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; quy định rõ nội dung hồ sơ và thẩm tra dự án đầu tư.

Đại biểu Thanh (Thủ Thiêm) cho rằng vẫn có sự ràng buộc giữa Giấy phép đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đầu tư, do định nghĩa về nhà đầu tư trong Khoản 3 Điều 3 Chương I chưa được rõ ràng, kéo theo các nội dung quy định trong Luật thiếu sự nhất quán. Hơn nữa, các đại biểu cũng phản ánh về nội dung trên Giấy chứng nhận đầu tư còn chung chung, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chưa ghi cụ thể ưu đãi đầu tư vào Giấy chứng nhận đầu tư như quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư để NĐT có thể hưởng các ưu đãi.

Lĩnh vực và những ưu đãi đầu tư

Dự thảo Luật khẳng định nguyên tắc bảo đảm đối xử công bằng, thỏa đáng và không phân biệt giữa NĐT trong nước và NĐTNN. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư phù hợp với nhu cầu, định hướng tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, Dự thảo lần này tiếp tục mở rộng, khuyến khích đầu tư với các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, bảo vệ môi trường, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn, nuôi trồng, lâm, ngư nghiệp, các dự án phát triển giáo dục, đào tạo, y tế…

Song có đại biểu cho rằng quy định về ưu đãi còn chưa rõ ràng, thiếu sự nhất quán giữa các văn bản luật của nước ta; cần làm rõ các cơ chế ưu đãi như là ưu tiên hàng đầu, ưu tiên, bình thường để tạo sự thống nhất, minh bạch trong đầu tư. Bên cạnh đó cần xác định các ngành nghề hạn chế đầu tư để tránh ảnh hưởng tới thị trường trong nước cũng như lợi ích quốc gia.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Theo Luật Đầu tư và Nghị định 78/2006/NĐ-CP, tùy thuộc quy mô vốn đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài được cấp theo đăng ký hoặc thẩm tra dự án đầu tư gắn với việc thành lập pháp nhân ở nước ngoài. Song Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều như: khẳng định NĐT phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư; bổ sung các hoạt động đầu tư ra nước ngoài được khuyến khích như mở rộng thị trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại nước đầu tư, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất trong nước; áp dụng thủ tục đăng ký vốn đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền quản lý ngoại hối.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài là 2 vấn đề tách biệt, không thể để chung cùng một văn bản, bởi Việt Nam không thể quy định luật khi doanh nghiệp đã xuất khẩu vốn ra nước ngoài, song cần lưu ý việc quản lý lượng vốn đầu tư. Qua đó, Ban biên tập Dự thảo Luật cần lưu ý làm rõ hơn các khái niệm và phạm vi ảnh hưởng của Luật để tránh tình trạng chồng chéo, trùng lắp.

Cơ chế một cửa liên thông tích hợp

Luật Đầu tư hiện hành chưa xác định rõ quy trình cũng như nội dung cụ thể của việc thực hiện dự án đầu tư, các thủ tục cũng chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật, dẫn đến sự chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt.

Hầu hết các đại biểu tham dự đều cho rằng cơ chế một cửa đang thực hiện ở một số địa phương mới chỉ thiết lập ở khâu tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, nhưng trên thực tế, NĐT vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau của UBND cấp tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy, NĐT phải thực hiện trung bình 18 thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường để triển khai dự án đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp và là một trong những “nút thắt” phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh./.

Theo Bộ Kế hoạch đầu tư.


Tag:
  • ,
  • Share: 

    Hotline:

    (84) 2253 250 250

    Email:

    [email protected]