Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Sản phẩm - dịch vụ

Điểm tin văn bản trong lĩnh vực hải quan đáng lưu ý tuần qua (31/08 - 05/09/2015)

Tác giả : AA006 | 07 - 09 - 2015 | 9:43 AM | 2469 Lượt xem

Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan cần lưu ý trong tuần qua (31/08 - 05/09/2015):

Công văn 965/GSQL-GQ3 ngày 27/08/2015 - Hướng dẫn mở tờ khai tập trung tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài

Công văn này trả lời Công văn số 1986/HQHN-GSQL ngày 08/07/2015 của Cục Hải quan thành phố Hà Nội về việc mở tờ khai tập trung tại Chi cục Hải quan CKSBQT Nội Bài, theo đó:

1. Đề nghị Cục Hải quan thành phố Hà Nội căn cứ vào thực tế công việc, thẩm quyền và phân cấp quản lý của Cục Hải quan tỉnh, thành phố để bố trí lực lượng thực hiện đúng Quy trình nghiệp vụ ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/07/2015 của Tổng cục Hải quan.

2. Việc thực hiện mở tờ khai tập trung phải đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, không gây phát sinh chi phí và đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu.

Công văn 7813/TCHQ-TXNK ngày 27/08/2015 - Hướng dẫn phân loại mặt hàng giấy

Công văn này hướng dẫn phân loại mặt hàng giấy Ivory nói riêng và các mặt hàng giấy nói chung, theo đó:

1. Thực hiện phân tích mặt hàng giấy nhập khẩu để xác định thành phần, bản chất, công dụng theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính, Điều 17 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính, Điều 3 Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính.

2. Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính, Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01/7/2015 của Bộ Tài chính nếu kết quả phân tích xác định là giấy nhiều lớp, đã tráng một hoặc cả hai mặt bằng cao lanh hoặc bằng các chất vô cơ khác, không chứa bột giấy thu được từ quá trình cơ học hoặc quá trình hóa cơ hoặc có hàm lượng các bột giấy này không quá 10% so với tổng lượng bột giấy tính theo trọng lượng, hoặc có hàm lượng bột giấy thu được từ quá trình cơ học hoặc quá trình hóa cơ trên 10% so với tổng lượng bột giấy tính theo trọng lượng, ở dạng cuộn hoặc tờ hình chữ nhật, với mọi kích cỡ, thường dùng làm bao bì, hộp cao cấp và các mục đích khác ngoài mục đích viết, in hoặc các mục đích đồ bản khác thuộc nhóm 48.10 “Giấy và bìa, đã tráng một hoặc cả hai mặt bằng cao lanh (China clay) hoặc bằng các chất vô cơ khác, có hoặc không có chất kết dính, và không có lớp phủ tráng nào khác, có hoặc không nhuộm màu bề mặt, có hoặc không trang trí hoặc in bề mặt, ở dạng cuộn hoặc tờ hình chữ nhật (kể cả hình vuông), với mọi kích cỡ”, phân nhóm “- Giấy và bìa khác”, phân nhóm 4810.92 “-- Loại nhiều lớp”, mã số 4810.92.40 “--- Dạng cuộn có chiều rộng không quá 150 mm hoặc ở dạng tờ không có chiều nào trên 360 mm ở dạng không gấp” hoặc mã số 4810.92.90 “--- Loại khác”.

Công văn 7854/TCHQ-TXNK ngày 28/08/2015 - Vướng mắc thực hiện Luật HQ, Luật xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành

Công văn này trả lời vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hải quan năm 2014, Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó:

1. Vướng mắc về giải phóng hàng:

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/5/2015 của Chính phủ thì trường hợp hàng hóa xuất khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai, có mức thuế suất bằng không thuộc trường hợp giải phóng hàng.

2. Vướng mắc về khai bổ sung giá chính thức:

Căn cứ quy định tại điểm a.2.1 khoản 3 Điều 20 và điểm 5 Phụ lục II Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 thì chỉ tiêu trị giá hải quan được Hệ thống hỗ trợ khai bổ sung sau thông quan. Do vậy, trường hợp khai bổ sung giá chính thức được thực hiện điện tử cho trường hợp doanh nghiệp đã khai giá tạm tính theo hình thức điện tử.

3. Vướng mắc về tiền chậm nộp thuế:

Căn cứ quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế thì trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phải nộp xong thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng và đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh số tiền thuế phải nộp để được thông quan hoặc giải phóng hàng nhưng trong thời hạn được bảo lãnh, doanh nghiệp tái xuất hàng hóa qua nước thứ 3 và được cơ quan hải quan ra quyết định không thu thuế đối với số tiền thuế nhập khẩu theo đúng quy định dựa trên bộ hồ sơ đề nghị không thu thuế đầy đủ, hợp lệ của doanh nghiệp thì việc tính tiền chậm nộp được tính kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày thực xuất khẩu hàng hóa. Trường hợp nếu xem xét không đủ điều kiện ra quyết định không thu thuế thì việc tính tiền chậm nộp được tính kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày thực nộp thuế.

4. Vướng mắc về xử lý vi phạm:

a) Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính thì một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.

Đối chiếu quy định nêu trên, đối với mỗi tờ khai doanh nghiệp khai bổ sung quá thời hạn quy định thì đã phát sinh một hành vi vi phạm. Trường hợp người khai hải quan gửi đề nghị sửa đổi, bổ sung các tiêu chí trên các tờ khai hải quan xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký tại các thời điểm khác nhau cho các hợp đồng khác nhau ngoài thời hạn 60 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan thì đã thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần và phải bị xử phạt về từng hành vi.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định hành vi không khai hoặc khai không đúng các nội dung trên tờ khai hải quan thì bị xem xét xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Công văn số 15214/BTC-TCHQ ngày 23/10/2014 chỉ áp dụng đối với trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi “không nộp đúng thời hạn các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chậm nộp”, “không nộp đúng thời hạn quy định để báo cáo, thanh khoản, hoàn thuế…”.

b) Căn cứ quy định tại điểm b.1 khoản 1 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, trường hợp người khai hải quan khai báo giá chính thức trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm có giá chính thức và thực hiện khai báo theo quy định tại điểm a.1.4 khoản 1 Điều 33 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Công văn 8029/TCHQ-TXNK ngày 03/09/2015 - Vướng mắc hoàn thuế nhập khẩu tính trên phí gia công

Công văn này trả lời vướng mắc về việc hoàn thuế nhập khẩu tính trên phí gia công, theo đó:

Căn cứ khoản 4 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP ngày 13/08/2010 của Chính phủ thì: “Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công cho phía Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu, khi nhập khẩu trở lại được miễn thuế nhập khẩu trên phần trị giá của hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công theo hợp đồng ”.

Căn cứ khoản 8 Điều 15 Nghị định 87/2010/NĐ-CP thì: “Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc xuất vào khu phi thuế quan được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp tương ứng với số lượng hàng thực tế tái xuất và không phải nộp thuế xuất khẩu”.

Căn cứ khoản 2 Điều 1 Nghị định 87/2010/NĐ-CP thì khu phi thuế quan bao gồm: Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất...

Căn cứ điểm c khoản 4, Điều 103 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính, thì: “b) Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài để gia công cho phía Việt Nam được miễn thuế xuất khẩu, khi nhập khẩu trở lại Việt Nam thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gia công (không tính thuế đối với phần trị giá của vật tư; nguyên liệu đã đưa đi gia công theo hợp đồng gia công đã ký; mức thuế nhập khẩu tính theo sản phẩm sau gia công nhập khẩu;...)

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguyên phụ liệu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu và chuyển nguyên phụ liệu này đặt gia công thêm tại một doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, sau khi doanh nghiệp tại khu chế xuất hoàn thành việc gia công sản phẩm, doanh nghiệp trong nước nhận lại các sản phẩm gia công (đã nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với phần giá trị tăng thêm của sản phẩm sau gia công). Sau đó, doanh nghiệp trong nước dùng sản phẩm đó lắp ráp thành một thành phẩm khác và đã thực xuất khẩu các sản phẩm này thì doanh nghiệp trong nước được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp tương ứng với phần giá trị tăng thêm của sản phẩm sau gia công (nhận lại từ doanh nghiệp chế xuất).

Nguồn: taiviet.net

Người đọc có thể tham khảo thêm các văn bản mới khác tại:

Bản tin hải quan số 3415

Share: 

Hotline:

(84) 2253 250 250

Email:

[email protected]