Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan trong tuần qua (30/12/2013-04/01/2014) cần lưu ý như sau:
Công văn 8132/TCHQ-GSQL ngày 27/12/2013 về việc: Nhập khẩu dầu mỡ bôi trơn phục vụ bảo dưỡng máy móc thiết bị của DNCX.
Công văn này hướng dẫn thủ tục nhập khẩu dầu mỡ bôi trơn phục vụ bảo dưỡng máy móc thiết bị của DNCX. Theo đó, trường hợp DNCX có ngành nghề kinh doanh là sản xuất cụm chi tiết ô tô như hệ thống dây dẫn và cụm thiết bị điện không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này. Vì vậy, việc Công ty nhập khẩu dầu mỡ bôi trơn phục vụ bảo dưỡng máy móc, thiết bị trong nhà máy không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 139/2013/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu; nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu xăng dầu. Trường hợp này, DNCX sẽ áp dụng các quy định theo Thông tư 128/2013/TT-BTC.
Công văn 8127/TCHQ-TXNK ngày 27/12/2013 về việc: Hoàn thuế/không thu thuế.
Công văn này hướng dẫn hoàn thuế/không thu thuế đối với hàng hóa đã xuất khẩu nhưng phải nhập khẩu trở lại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan thuộc đối tượng được xét hoàn lại thuế xuất khẩu/nhập khẩu. Theo đó, trong trường hợp này, hàng hóa đã nộp và không thu thuế nhập khẩu/xuất khẩu khi tái nhập/tái xuất.
Tuy nhiên, công văn này cũng nhấn mạnh: Tại điểm a.1 khoản 7 và điểm a.1 khoản 8 Điều 112 Thông tư số 128/2013/TT-BTC có quy định: "Trường hợp quá 365 ngày, cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra cụ thể và báo cáo Tổng cục Hải quan để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, xử lý từng trường hợp cụ thể".
Công văn 8101/TCHQ-GSQL ngày 26/12/2013 về việc: Vật tư có nguồn gốc trong nước đưa vào xây dựng nhà xưởng cho DNCX.
Công văn này trả lời công văn số 1577/HQBN-NV ngày 13/12/2013 của Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh về việc vướng mắc về trường hợp khai hải quan đối với vật tư có nguồn gốc trong nước đưa vào xây dựng nhà xưởng cho DNCX. Căn cứ quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ, Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính (nay là Thông tư số 128/2013/TT-BTC), việc doanh nghiệp nội địa đưa vật tư có nguồn gốc trong nước để xây dựng nhà xưởng cho DNCX theo hợp đồng trọn gói, công trình đã hoàn thiện doanh nghiệp nội địa mới thực hiện khai, làm thủ tục hải quan và đã được Chi cục Hải quan quản lý KCN Bắc Giang chấp nhận làm thủ tục hải quan là không đúng quy định.
Công văn 8125/TCHQ-TXNK ngày 27/12/2013 về việc: Trừ lùi hàng hóa nhập khẩu miễn thuế.
Ngày 27/12 vừa qua, Tổng Cục hải quan đã ban hành công văn 8125/TCHQ-TXNK hướng dẫn thực hiện trừ lùi hàng hóa nhập khẩu miễn thuế. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu miễn thuế thuộc trường hợp phải đăng ký Danh mục miễn thuế, cơ quan hải quan thực hiện trừ lùi số lượng, không trừ lùi trị giá trên Phiếu theo dõi trừ lùi tại biểu mẫu số 10/PTDTL-ƯĐĐT/2013 và cập nhật số lượng, theo dõi trừ lùi hàng hóa đã nhập khẩu miễn thuế (quy định cụ thể tại khoản 2, khoản 4 Điều 101 và khoản 2 Điều 102 Thông tư số 128/2013/TT-BTC).
Công văn 8077/TCHQ-GSQL ngày 26/12/2013 về việc: Hướng dẫn thực hiện triển khai e-manifest.
Công văn này giải hướng dẫn thực hiện triển khai e-manifest cho các hãng tàu/đại lý hãng tàu/công ty giao nhận tham gia thí điểm thực hiện emanifest. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tổng hợp và trả lời một số nội dung theo Bảng tổng hợp (kèm theo công văn này). Một số vướng mắc quan trọng đã được giải quyết, cụ thể như sau:
1. Về lệ phí làm thủ tục hải quan: đề nghị các đơn vị thực hiện theo đúng hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 5446/TCHQ-GSQL ngày 13/9/2013, theo đó:
- Đối tượng nộp lệ phí hải quan: Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khi hoàn thành thủ tục hải quan xuất cảnh, nhập cảnh phải nộp lệ phí hải quan. Riêng tàu biển quá cảnh chỉ nộp lệ phí hải quan khi làm thủ tục nhập cảnh.
- Về áp dụng hình thức nộp lệ phí: Hãng tàu, đại lý hãng tàu có thể nộp lệ phí hải quan theo tháng hoặc theo từng lần tàu xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
+ Trường hợp nộp lệ phí theo tháng: Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu thông báo để hãng tàu, đại lý hãng tàu đăng ký nộp lệ phí theo tháng. Trước ngày 10 hàng tháng, Chi cục Hải quan tổng hợp số lượng tàu làm thủ tục để tổ chức thu lệ phí cho các chuyến tàu của tháng trước đó theo quy định.
+ Trường hợp nộp lệ phí theo chuyến: Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện thu lệ phí theo quy định.
- Về mức thu lệ phí: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 172/2010/TT-BTCngày 02/11/2010 của Bộ Tài chính.
- Yêu cầu Cục Hải quan địa phương chỉ đạo các Chi cục Hải quan khi thu lệ phí phải phát hành biên lai, hóa đơn cho người khai hải quan theo đúng quy định hiện hành.
2. Về việc sửa đổi, bổ sung chứng từ: Trên hệ thống đã được thiết kế theo hướng cùng một mã hồ sơ, nếu người khai khác nhau đề nghị sửa đổi, bổ sung thì sẽ được thực hiện độc lập, không phụ thuộc vào việc phê duyệt của cơ quan Hải quan đối với từng hồ sơ. Nếu trên cùng 01 bộ hồ sơ, 01 người khai đề nghị sửa đổi, bổ sung các chứng từ cung 01 thời điểm thì phải thực hiện tuần tự việc sửa đổi từng chứng từ.
3. Về việc khai báo trọng lượng tịnh (net weight):
- Việc khai trọng lượng tịnh (net weight) trên ô 18 bản khai hàng hóa là không bắt buộc. Người khai hải quan có thể khai tiêu chí này khi có thông tin;
- Việc khai tổng trọng lượng (gross weight) trên ô số 19 bản khai hàng hóa là bắt buộc.
4. Khai emanifest đối với hàng xuất khẩu: Tổng Cục hải quan đồng ý với đề nghị của Hãng tàu, theo đó việc sửa đổi, bổ sung nội dung khai đã khai với cơ quan Hải quan được thực hiện trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tàu rời cảng.
Công văn 8161/TCHQ-KTSTQ ngày 27/12/2013 về việc: Xử lý vướng mắc khi thực hiện Điều 144 Thông tư 128/2013/TT-BTC về kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan.
Ngày 27/12/2013, Tổng Cục hải quan đã ban hành công văn số 8161/TCHQ-KTSTQ xử lý vướng mắc khi thực hiện Điều 144 Thông tư 128/2013/TT-BTC về kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan. Theo đó, Tổng cục Hải quan hướng dẫn xử lý như sau:
1. Về nguyên tắc áp dụng văn bản:
Theo quy định về nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) tại khoản 1 Điều 83 Luật ban hành văn bản QPPL thì: Văn bản QPPL được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.
Theo đó, đối với trường hợp trước ngày 1/11/2013 đơn vị nào đã thông báo kiểm tra hoặc đang KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan nhưng đến nay chưa kết thúc vụ việc kiểm tra thì: Những công việc, thủ tục nào chưa thực hiện sẽ thực hiện tiếp theo quy định của Thông tư 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
2. Về xử lý tình huống vướng mắc cụ thể:
- Trường hợp trước thời điểm ngày 1/11/2013 đã thông báo kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan (phạm vi 5 năm hoặc nhỏ hơn 5 năm và không giới hạn thời hạn kiểm tra) nhưng đến nay chưa thực hiện kiểm tra, nếu đơn vị thấy cần thiết phải giữ nguyên phạm vi kiểm tra nhưng thời hạn 02 ngày làm việc là không đủ để thực hiện kiểm tra thì ban hành Quyết định KTSTQ tại trụ sở doanh nghiệp để thực hiện kiểm tra theo quy định; Trường hợp vẫn tiếp tục KTSTQ tại trụ sở cơ quan hải quan thì thực hiện theo quy định của Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính, cụ thể: Phạm vi kiểm tra là: hồ sơ hải quan, hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hàng hóa được thông quan đến ngày thông báo kiểm tra, thời gian kiểm tra tối đa là 02 ngày làm việc.
- Trường hợp đã thông báo kiểm tra và đang kiểm tra từ trước ngày 01/11/2013 (đã có biên bản làm việc/biên bản kiểm tra với doanh nghiệp), đến sau ngày 1/11/2013 chưa kết thúc kiểm tra thì thực hiện đúng quy định của Thông tư 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về thời hạn kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra và các nội dung khác có liên quan.
- Trường hợp đã kết thúc kiểm tra từ trước ngày 1/11/2013 nhưng đến nay chưa thực hiện xử lý kết quả kiểm tra (chưa ban hành quyết định ấn định thuế…) thì việc xử lý kết quả kiểm tra thực hiện theo quy định tại Chương III Phần VI Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Mọi thay đổi liên quan phải được cập nhật, hiệu chỉnh trên hệ thống STQ01 của Tổng cục Hải quan.
3. Việc doanh nghiệp khai bổ sung theo quy định tại Điều 14 Thông tư 128/2013/TT-BTC và trường hợp doanh nghiệp đồng ý kết quả kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan thì Chi cục KTSTQ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại điểm 3, Mục I, Phần B, quy trình 2 - Quy trình nghiệp vụ KTSTQ.
Công văn 8092/TCHQ-GSQL ngày 26/12/2013 về việc: Xử lý phế thải, phế liệu còn giá trị.
Ngày 26/12 vừa qua, Tổng Cục hải quan đã ban hành công văn số 8092/TCHQ-GQL nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến việc khai báo các loại phế liệu còn giá trị sau quá trình xử lý chất thải nguy hại đối với các DNCX, doanh nghiệp trong Khu KTCK, Khu CNC. Theo đó:
- Đối với phế thải không còn giá trị sử dụng để tiêu hủy của DNCX, doanh nghiệp trong Khu KTCK, Khu CNC: việc xử lý phế thải (đã hết giá trị sử dụng) cơ quan Hải quan không quản lý. (Quy định cụ thể tại Khoản 7 Điều 49 Thông tư số 128/2013/TT-BTC)
- Đối với chất thải nguy hại của DNCX, doanh nghiệp trong khu KTCK, khu CNC thuê Công ty khác xử lý, sau quá trình xử lý thu được phế liệu có giá trị thương mại: nếu Công ty được thuê xử lý đáp ứng điều kiện giám sát 24/7 (hệ thống camera giám sát) với cơ quan hải quan quản lý, thủ tục hải quan để nhập khẩu phế liệu thu được sau xử lý sẽ thực hiện tại cơ quan hải quan đó.
Công văn 8106/TCHQ-TXNK ngày 26/12/2013 về việc: Thuế suất mặt hàng Polypropylen.
Trả lời thư bạn đọc về thuế suất mặt hàng Polypropylen, ngày 26/12 vừa qua, Tổng cục hải quan đã ban hành công văn số 8106/TCHQ-TXNK. Căn cứ Điều 2 Thông tư số 163/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2012-2014 thì hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng thuế suất AKFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Thông tư này;
- Được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên Khu vực thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc;
- Được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu đến Việt Nam, theo quy định của Bộ Công Thương;
- Thỏa mãn các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (C/O mẫu AK) theo quy định của Bộ Công Thương.
Căn cứ Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Khu vực thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2012-2014 thì mặt hàng Polypropylen thuộc mã số 3902.10.30 "Dạng phân tán" và mặt hàng thuộc mã số 3902.10.90 "Loại khác" có thuế suất AKFTA năm 2014 là 0% trừ những mặt hàng nhập khẩu từ nước có thể hiện ký hiệu tên nước tại cột nước không được hưởng ưu đãi.
Công văn 8178/TCHQ-GSQL ngày 30/12/2013 về việc: Hủy tờ khai hải quan đã được phân vào luồng vàng, luồng đỏ.
Ngày 30/12 vừa qua, Tổng Cục hải quan đã ban hành công văn 8178/TCHQ-GSQL hướng dẫn về việc hủy tờ khai hải quan đã được phân luồng. Việc hủy tờ khai đối với các tờ khai hệ thống đã phân vào luồng vàng, luồng đỏ thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Hải quan; Điều 31 Thông tư số 128/2013/TT-BTC và Điều 11 Thông tư số 196/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, việc khai huỷ tờ khai yêu cầu phải có lí do chính đáng và được cơ quan Hải quan nơi tiếp nhận tờ khai chấp nhận hoặc từ chối. Khi Công ty đã thực hiện khai huỷ, đề nghị kiểm tra nội dung phản hồi của cơ quan Hải quan là được chấp nhận hay không chấp nhận việc khai huỷ.
Công văn 8136/TCHQ-GSQL ngày 27/12/2013 về việc: Vướng mắc Thông tư số 128/2013/TT-BTC về đưa hàng về bảo quản, quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu và xử lý thuế đối với hàng đã xuất khẩu nhưng phải nhập khẩu trả lại.
Công văn này giải quyết vướng mắc về đưa hàng về bảo quản, quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu và xử lý thuế đối với hàng đã xuất khẩu nhưng phải nhập khẩu trả lại.
1. Về vướng mắc liên quan đến việc đưa hàng về bảo quản:
Đối với hàng hóa phải kiểm dịch: trường hợp cơ quan kiểm tra chuyên ngành xác định kho của doanh nghiệp là địa điểm kiểm dịch và đồng ý cho đưa hàng về để kiểm dịch thì doanh nghiệp được đưa hàng về kho để kiểm dịch, trừ đối với hàng đông lạnh nhập khẩu phải để lại cửa khẩu chờ kết quả kiểm dịch.
2. Về kiến nghị đối với việc quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu:
Trường hợp Công ty đã được Tổng cục Hải quan công nhận là doanh nghiệp được ưu tiên theo quy định tại Thông tư số 86/2013/TT-BTC ngày 27/6/2013 của Bộ Tài chính thì được áp dụng các hình thức, chế độ quản lý ưu tiên
3. Về vướng mắc liên quan đến việc xử lý thuế đối với hàng đã xuất khẩu nhưng phải tái nhập để tái chế:
- Đối với hàng hoá tái nhập để tái chế thì thời hạn tái chế do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập.
- Trường hợp hàng tái chế không tái xuất được thì doanh nghiệp phải có văn bản gửi Chi cục hải quan làm thủ tục tái nhập giải trình rõ lý do không tái xuất được, trên cơ sở đó đề xuất Chi cục hải quan làm thủ tục tái nhập xem xét, chấp nhận các hình thức xử lý.
- Trường hợp hàng hóa tái nhập là sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu; hàng hoá kinh doanh thuộc đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu thì Hải quan làm thủ tục tái nhập phải thông báo cho Hải quan làm thủ tục hoàn thuế nhập khẩu biết (nếu hai đơn vị Hải quan này là hai Chi cục hải quan khác nhau) về các trường hợp n để xử lý thuế theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 112 Thông tư này.
4. Về vướng mắc liên quan đến thủ tục nộp, tiếp nhận và xử lý hồ sơ xét hoàn thuế, không thu thuế:
Đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu đáp ứng thời hạn nộp thuế theo quy định tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế (được áp dụng 275 ngày đối với loại hình NSXXK, 15 ngày - đối với loại hình kinh doanh TN-TX) nhưng doanh nghiệp đưa vào sản xuất hàng xuất khẩu và tái xuất trong thời hạn nộp thuế.
Công văn 8100/TCHQ-GSQL ngày 26/12/2013 về việc: Vướng mắc khi thực hiện Điều 36 Thông tư số 128/2013/TT-BTC về địa điểm làm thủ tục hải quan.
Công văn này giải quyết vướng mắc về địa điểm làm thủ tục hải quan. Căn cứ quy định tại Điều 36 Thông tư số 128/2013/TT-BTC, các Công ty chỉ được đăng ký nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tại Chi cục Hải quan mà Công ty đó có trụ sở hoặc cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng cục Hải quan đồng ý cho trường hợp Công ty TNHH Một thành viên 76 được làm thủ tục hải quan đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tại Chi cục Hải quan Tiên Sơn thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh (nơi công ty này không có trụ sở hoặc cơ sở sản xuất) đến hết ngày 30/6/2014; quá thời hạn này, Công ty phải thực hiện thủ tục hải quan theo quy định hiện hành.
Công văn 8097/TCHQ-GSQL ngày 26/12/2013 về việc: Vướng mắc khi thực hiện công văn số 16236/BTC-TCHQ ngày 22/11/2013 về chi nhánh thương nhân.
Ngày 26/12 vừa qua, Tổng Cục hải quan đã ban hành công văn số 8097/TCHQ-GSQL giải quyết vướng mắc về thủ tục hải quan đối với chi nhánh thương nhân.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp thì "Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp".
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 của Chính phủ thì "Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo ủy quyền của thương nhân".
Do đó, chi nhánh được ủy quyền sẽ làm thủ tục xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật thay cho thương nhân.
Theo Tài VIệt.
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]