Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan cần lưu ý trong tuần qua (24/10 - 29/10/2016).
Công văn 1361/GSQL-GQ1 ngày 28/10/2013 - Về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, theo đó :
Về việc kiểm tra ATTP đối với vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm: Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì hàng hóa là dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu bao bì không sử dụng vào mục đích chứa đựng thực phẩm, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tại công văn số 9317/TCHQ-GSQL ngày 27/9/2016, cụ thể: “khi làm thủ tục hải quan yêu cầu doanh nghiệp khai báo rõ mục đích sử dụng đối với bao bì nhập khẩu trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu, đồng thời có văn bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về mục đích sử dụng của hàng hóa nhập khẩu. Cơ quan hải quan căn cứ khai báo và văn bản cam kết của doanh nghiệp để xem xét, giải quyết thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa theo quy định”
Công văn 9796/TCHQ-TXNK ngày 27/10/2013 - Về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhập khẩu, theo đó :
Tổng cục Hải quan nhận được các công văn số 03102016/SK-TCHQ, số 04102016/SK-TCHQ, số 05102016/SK-TCHQ ngày 03/10/2016 của Công ty TNHH thương mại và đầu tư Sao Khuê đề nghị hướng dẫn thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng dầu biến thế nhập khẩu (mã số HS: 27101960), các loại dầu gia công kim loại, dầu bôi trơn có hàm lượng dưới 70% dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ (mã số HS 3403), các loại dầu chống gỉ để bán trong nước (mã số HS: 27101989). Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
- Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thuế Bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 08 năm 2011 của Chính phủ và khoản 1 Điều 1 Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tài chính thì xăng, dầu, mỡ nhờn thuộc đối tượng chịu thuế, bao gồm: “Xăng, trừ etanol; Nhiên liệu bay; Dầu diezel; Dầu hỏa; Dầu mazut; Dầu nhờn; Mỡ nhờn.
Xăng, dầu, mỡ nhờn quy định tại khoản này là các loại xăng, dầu, mỡ nhờn (sau đây gọi chung là xăng dầu) gốc hóa thạch xuất bán tại Việt Nam, không bao gồm chế phẩm sinh học (như etanol, dầu thực phẩm, mỡ động vật...).
Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng dầu gốc hóa thạch thì chỉ tính thu thuế bảo vệ môi trường đối với phần xăng dầu gốc hóa thạch”.
- Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 6 và điểm 2.2. khoản 2, Điều 7 Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2011 thì thời điểm tính thuế đối với xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán là thời điểm doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra. Các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước tại cơ quan thuế địa phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị giá tăng.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, các mặt hàng dầu biến thế (mã số HS: 27101960), các loại dầu gia công kim loại, dầu bôi trơn có hàm lượng dưới 70% dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ (mã số HS 3403), các loại dầu chống gỉ (mã số HS: 27101989) theo trình bày của Công ty TNHH thương mại và đầu tư Sao Khuê nhập khẩu để bán trong nước thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường khi Công ty xuất bán các mặt hàng dầu mỡ nêu trên.
Công văn 9913/TCHQ-TXNK ngày 27/10/2013 - Về hoàn tiền chậm nộp thuế, theo đó :
Trả lời công văn số 618/ĐTHL-VT ngày 3/8/2016 và số 667/ĐTHL-VT ngày 30/8/2016 của Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long (dưới đây gọi là Công ty) về việc hoàn tiền chậm nộp thuế, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
Theo Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì:
- Tại điểm c khoản 4 Điều 42 quy định: “c) Hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng đã được thông quan hoặc giải phóng hàng, trong thời gian chờ xét miễn thuế nếu kiểm tra, xác định hàng hóa không thuộc đối tượng được xét miễn thuế thì phải nộp đủ các loại thuế, tính lại thời hạn nộp thuế và tiền chậm nộp kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày thực nộp thuế và bị xử phạt vi phạm theo quy định (nếu có);”
- Tại khoản 1 Điều 107 quy định một trong các trường hợp được xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là: “1. Hàng hóa nhập khẩu là hàng chuyên dùng trực tiếp phục vụ cho an ninh, quốc phòng theo kế hoạch cụ thể do Bộ chủ quản phê duyệt đã được đăng ký và thống nhất với Bộ Tài chính (phân loại theo hai danh mục riêng: Danh mục thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương và danh mục nguồn vốn ngân sách địa phương)”.
Căn cứ các quy định trên, hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng đã thông quan hoặc giải phóng hàng, nếu kiểm tra, xác định hàng hóa không thuộc đối tượng được xét miễn thuế thì phải tính tiền chậm nộp kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày thực nộp thuế. Trường hợp có quyết định miễn thuế thì không tính tiền chậm nộp tương ứng với số tiền thuế nhập khẩu được miễn. Theo đó, trường hợp của Công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long đã nộp tiền thuế, tiền chậm nộp trong thời gian chờ xét miễn thuế thì việc hoàn trả tiền thuế, tiền chậm nộp đã nộp thực hiện theo quy định tại Điều 49 và Điều 132 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015.
Nguồn: taiviet.net
Người đọc có thể tham khảo thêm các văn bản mới khác tại :
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]