Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan trong tuần qua (24/03-29/03/2014) cần lưu ý như sau:
Công văn 2131/BCT-XNK ngày 19/03/2014 - Địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp chế xuất:
Công văn này hướng dẫn về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp chế xuất. Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với thực tiễn quản lý của cơ quan hải quan, Bộ Công Thương nhất trí với kiến nghị của Tổng cục Hải quan về địa điểm làm thủ tục tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa là máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, khuôn, mẫu tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập để sản xuất, thi công, thực hiện dự án, hàng hóa bảo hành, sửa chữa của doanh nghiệp chế xuất được thực hiện tại Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất.
Công văn 2855/TCHQ-TXNK ngày 21/03/2014 - Xử lý tiền chậm nộp nhỏ hơn 50.000 đồng:
Công văn này hướng dẫn xử lý tiền chậm nộp nhỏ hơn 50.000 đồng. Theo đó, căn cứ Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn Luật thì không có quy định không thu đối với tiền phạt chậm nộp (nay là tiền chậm nộp) nhỏ hơn 50.000 đồng. Do vậy, đối với các khoản nợ thuế, tiền chậm nộp nhỏ hơn 50.000 đồng, đề nghị cơ quan hải quan đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nộp đủ vào NSNN theo đúng quy định.
Trường hợp tại thời điểm phát sinh khoản tiền thuế, tiền chậm nộp phải nộp nhỏ hơn 50.000 đồng, nếu người nộp thuế có khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa của các tờ khai hải quan khác thì thực hiện bù trừ với khoản tiền thuế, tiền chậm nộp phải nộp nhỏ hơn 50.000 đồng theo quy định tại Điều 26, Điều 130 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính.
Công văn 3161/TCHQ-GSQL ngày 27/03/2014 - Nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn phục vụ sản xuất của doanh nghiệp FDI:
Công văn này giải quyết vướng mắc về việc nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn phục vụ sản xuất của doanh nghiệp FDI. Theo đó, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI khi nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn để vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị của chính doanh nghiệp phục vụ sản xuất sản phẩm hữu hình theo hoạt động sản xuất đầu tư, tránh trường hợp nhập khẩu phục vụ sản xuất nhưng có thể bán trên thị trường hoặc sử dụng vào mục đích khác, trong khi Bộ Công Thương chưa ban hành văn bản hướng dẫn chung việc nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn phù hợp với lộ trình đã công bố tại Thông tư số 34/2013/TT-BCT dẫn trên, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thủ tục hải quan khi nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn phục vụ sản xuất cho chính doanh nghiệp FDI như sau:
1/ Về hồ sơ hải quan:
Ngoài hồ sơ hải quan theo quy định, hướng dẫn doanh nghiệp nộp, xuất trình thêm:
- Giấy phép đầu tư/ Giấy chứng nhận đầu tư: Nộp 1 bản sao, xuất trình bản chính; (nộp lần đầu tiên khi nhập khẩu mặt hàng dầu, mỡ bôi trơn).
- Văn bản đề nghị nhập khẩu của doanh nghiệp. Trong đó, kê khai cụ thể tên hàng, mã số HS, số lượng, mục đích sử dụng của từng mặt hàng; đồng thời cam kết tính xác thực và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp FDI về sử dụng dầu, mỡ bôi trơn nhập khẩu đúng mục đích, không sử dụng vào mục đích khác: nộp 1 bản chính.
2/ Nhiệm vụ của Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận tờ khai nhập khẩu:
- Kiểm tra, đối chiếu giữa bản sao và bản chính của Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư; kiểm tra nội dung mục tiêu dự án đầu tư phải thể hiện sản xuất sản phẩm hữu hình;
- Kiểm tra sự phù hợp về chủng loại, số lượng dầu, mỡ bôi trơn nhập khẩu với mục đích sản xuất của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp nộp đủ các chứng từ nêu trên và xác định việc nhập khẩu dầu, mỡ bôi trơn phù hợp với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp thì thực hiện tiếp các bước thủ tục hải quan để nhập khẩu hàng hóa theo quy định, không yêu cầu doanh nghiệp phải có công văn xác nhận của Bộ Công Thương.
Công văn 2856/TCHQ-TXNK ngày 21/03/2014 - Thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế:
Công văn này hướng dẫn về thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế. Theo đó, trường hợp đăng ký tờ khai nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và tờ khai xuất khẩu sản phẩm tại thời điểm Thông tư 194/2010/TT-BTC và đã xuất khẩu sản phẩm trong thời hạn nộp thuế 275 ngày (nếu được ân hạn thuế) nhưng nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế tại thời điểm Thông tư 128/2013/TT-BTC có hiệu lực thì thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế chậm nhất là bốn mươi lăm ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế của tờ khai nhập khẩu đề nghị hoàn thuế, không thu thuế.
Về việc xử phạt vi phạm hành chính: Căn cứ điểm a.2, điểm a.5 khoản 2 Điều 127 Thông tư 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính và các văn bản có liên quan, trường hợp cơ quan Hải quan xác định Công ty có hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản, hoàn thuế thì Công ty sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 6 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ.
Công văn 2942/TCHQ-GSQL ngày 21/03/2014 - Hoạt động của CFS trong cảng:
Công văn này hướng dẫn về hoạt động của CFS trong cảng. Theo đó, CFS là địa điểm thu gom hàng lẻ, hàng hóa nhập khẩu của nhiều chủ hàng đóng chung container phải được đưa vào CFS để thực hiện việc chia tách hoặc đóng ghép container với các lô hàng xuất khẩu khác để xuất sang nước thứ ba. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm tình hình hoạt động CFS tại cảng thời gian qua có tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa đóng chung container, khi đến cảng không đưa vào khai thác tại các CFS mà đề nghị được trực tiếp khai thác, chia tách hàng hóa, ngay tại bãi cảng dẫn đến tình trạng khó quản lý, giám sát hải quan. Trong trường hợp này, đề nghị các cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc chia tách hàng hóa nhập khẩu của nhiều chủ hàng đóng chung container trong CFS, không được khai thác trực tiếp tại bãi cảng.
Công văn 2943/TCHQ-TXNK ngày 21/03/2014 - Vướng mắc chứng từ thanh toán hàng TN-TX:
Công văn này giải quết vướng mắc chứng từ thanh toán hàng TN-TX. Trường hợp thanh toán bù trừ công nợ giữa các bên nếu đáp ứng các điều kiện, thủ tục, hồ sơ quy định tại khoản 4.6 Phụ lục I Thông tư 128/2013/TT-BTC thì được coi là hình thức thanh toán qua ngân hàng để xét hoàn thuế/không thu thuế. Cụ thế, các điều kiện, thủ tục, hồ sơ quy định tại khoản 4.6 Phụ lục I Thông tư 128/2013/TT-BTC như sau:
- Hàng hoá mua bán giữa người xuất khẩu với bên nước ngoài phải ghi rõ phương thức thanh toán trong hợp đồng xuất khẩu;
- Văn bản xác nhận của phía nước ngoài về số tiền thanh toán bù trừ giữa hàng hoá xuất khẩu với hàng hoá nhập khẩu, dịch vụ mua của phía nước ngoài;
- Trường hợp sau khi thanh toán bù trừ giữa trị giá hàng hoá xuất khẩu và trị giá hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu có chênh lệch, số tiền chênh lệch còn lại phải được thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hướng dẫn tại Phụ lục này.
Công văn 2696/TCHQ-GSQL ngày 17/03/2014 - Niêm phong hàng hóa đối với hàng rời nhập khẩu được đưa về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành:
Công văn này hướng dẫn về việc niêm phong hàng hóa đối với hàng rời nhập khẩu được đưa về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, đối với hàng rời nhập khẩu (thức ăn chăn nuôi, phân bón, muối, nguyên liệu phục vụ sản xuất) thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được phân luồng đỏ (phải kiểm tra thực tế hàng hóa) hoặc luồng vàng (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa), doanh nghiệp có yêu cầu đưa về kho bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành và lô hàng có số lượng lớn không thể niêm phong hải quan được thì căn cứ điểm c1, c2 khoản 9 Điều 61 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 và công văn số 15269/BTC-TCHQ ngày 07/11/2013 của Bộ Tài chính: Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu và lập biên bản bàn giao ghi rõ tên hàng, số lượng, chủng loại hàng hóa… giao cho chủ hàng để vận chuyển, bảo quản nguyên trạng hàng hóa về địa điểm bảo quản theo đề nghị của cơ quan kiểm tra chuyên ngành đã được cơ quan hải quan quản lý địa bàn kho xác nhận địa điểm bảo quản đáp ứng yêu cầu giám sát theo quy định tại công văn số 15269/BTC-TCHQ ngày 07/11/2013 đồng thời giao cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu để giám sát hàng hóa chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Công văn 2699/TCHQ-GSQL ngày 17/03/2014 - Thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ nhiều bên:
Công văn này hướng dẫn về thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công nhiều bên. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ ký hợp đồng nhập khẩu với các thương nhân trung gian thứ cấp mà không phải là trực tiếp với "chính thương nhân nước ngoài" đã ký hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) có hướng dẫn tại công văn số 3204/TM-KHĐT ngày 04/06/2007. Theo đó, căn cứ quy định khoản 2 Điều 15 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 thì hợp đồng gia công phải có điều khoản ghi rõ người thuê gia công là Công ty Janssen- Cilag Ltd (Thái Lan) có chỉ định giao hàng cho Công ty Vimedimec theo yêu cầu của hợp đồng giữa Công ty Janssen- Cilag Ltd và Công ty DKHS (Singapore); hợp đồng nhập khẩu có điều khoản ghi rõ người xuất khẩu là Công ty DKHS chỉ định nhận hàng từ Công ty OPV (Việt Nam) theo nội dung của hợp đồng giữa Công ty Janssen- Cilag Ltd và Công ty DKHS.
Nguồn: taiviet.net
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]