Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan cần lưu ý trong tuần qua (19/10 - 24/10/2015):
Công văn 9362/TCHQ-PC ngày 12/10/2015 - Hướng dẫn xử lý tiền bán tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu
Công văn này hướng dẫn về việc xử lý tiền bán tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu, theo đó:
1. Về nội dung vướng mắc liên quan đến “số tiền thu được phải nộp Ngân sách Nhà nước hay gửi tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính”:
Việc xử lý tiền thu được từ bán tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu đã được quy định cụ thể tại các khoản 1.a, khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Thông tư 173/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Đề nghị Cục Hải quan TP. Hà Nội căn cứ quy định nêu trên để thực hiện.
2. Về nội dung vướng mắc liên quan đến “trường hợp gửi vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước thì hạch toán kế toán như thế nào”: Tổng cục Hải quan ghi nhận nội dung này và sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất.
Công văn 9584/TCHQ-TXNK ngày 15/10/2015 - Hướng dẫn phân loại mặt hàng Polypropylene và Copolyme Propylene
Công văn này trả lời vướng mắc về mã số và thuế suất nhập khẩu hạt nhựa Polypropylene Copolymer và Polypropylene Random Copolymer của Công ty cổ phần sản xuất nhựa Duy Tân, theo đó:
1. Về việc phân loại hai mặt hàng Polypropylene Copolymer và Polypropylene Random Copolymer:
Căn cứ Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 của Bộ Tài chính v/v ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, theo đó:
Chú giải 4 Chương 39 nêu rõ: “4. Thuật ngữ “copolyme” dùng để chỉ tất cả các loại polyme trong thành phần của nó không chứa loại monome đơn nào chiếm từ 95% trở lên tính theo trọng lượng của tổng hàm lượng polyme.”
Và Chú giải phân nhóm 1 (a) (1) Chương 39 nêu rõ: “1. Trong bất kỳ nhóm nào thuộc Chương này, các polyme (kể cả các copolyme) và các polyme đã biến đổi về mặt hóa học được phân loại theo các nguyên tắc sau:
(a) Khi có phân nhóm “Loại khác ” trong các phân nhóm cùng cấp:
(1) Việc gọi tên một polyme trong 1 phân nhóm với tiếp đầu ngữ “poly” (ví dụ như polyetylen và polyamit -6,6) nghĩa là đơn vị monome cấu thành hoặc các đơn vị monome của polyme đã được gọi tên phải chiếm 95% trở lên tính theo trọng lượng trong tổng thành phần polyme.”
Như vậy, để xác định mã số của mặt hàng do Công ty nhập khẩu là Copolyme Propylene thuộc phân nhóm 3902.30 hay là Polyprolylen thuộc phân nhóm 3902.10 phải căn cứ vào thực tế mặt hàng.
2. Thủ tục xử lý đối với số tiền thuế nộp thừa (nếu có) được quy định tại Điều 49 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Công văn 9718/TCHQ-TXNK ngày 21/10/2015 - Hướng dẫn xác định trước mã số hàng hóa
Công văn này hướng dẫn xác định trước mã số đối với các mặt hàng linh kiện điện thoại di động, theo đó:
Căn cứ khoản 3 Điều 24 Nghị Định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính Phủ;
Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì hồ sơ xác định trước mã số gồm:
Hồ sơ xác định trước mã số:
a) Đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 01/XĐTMS/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này: 01 bản chính;
b) Mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu.
Trường hợp không có mẫu hàng, tổ chức, cá nhân phải cung cấp tài liệu kỹ thuật (như bản phân tích thành phần, catalogue, hình ảnh hàng hóa), mô tả chi tiết thành phần, tính chất, cấu tạo, công dụng, phương thức vận hành của hàng hóa: 01 bản chính.
Nguồn: taiviet.net
Người đọc có thể tham khảo thêm các văn bản mới khác tại:
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]