Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan cần lưu ý trong tuần qua (17/11 - 22/11/2014):
Công văn 1473/GSQL-GQ2 ngày 06/11/2014 - Xử lý thanh khoản cho tờ khai xuất khẩu được cấu thành từ nguồn NVL nhập khẩu tại hai Chi cục khác nhau
Công văn này hướng dẫn xử lý thanh khoản cho tờ khai xuất khẩu được cấu thành từ nguồn NVL nhập khẩu tại hai Chi cục khác nhau. Theo đó, Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội thuộc Cục Hải quan TP. Hà Nội thực hiện thanh khoản cho phần NVL đã nhập khẩu tại đơn vị mình; xác nhận phần NVL cấu thành trên sản phẩm đã được hoàn thuế hoặc không thu thuế chuyển cho Chi cục Hải quan Ninh Bình thuộc Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa biết để làm tiếp thủ tục thanh khoản cho phần NVL Công ty đã thực hiện nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Ninh Bình. Chi cục Hải quan Ninh Bình thuộc Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa thực hiện thanh khoản phần NVL làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị mình. Việc ghi hoàn thuế không thu thuế trên tờ khai hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 129 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.
Công văn 16522/BTC-TCHQ ngày 13/11/2014 - Tờ khai hải quan có kết quả kiểm hóa trong hồ sơ hoàn thuế
Công văn này giải đáp vướng mắc về tờ khai hải quan có kết quả kiểm hóa trong hồ sơ hoàn thuế. Theo đó, trong hồ sơ hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp có bao gồm tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan hải quan (gọi tắt là kết quả kiểm hóa). Trường hợp thực hiện thủ tục hải quan điện tử, trên tờ khai hải quan không có thông tin kết quả kiểm hóa, công chức hải quan tra cứu, kết xuất, kiểm tra thông tin kết quả kiểm hóa trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Công văn 13832/TCHQ-TXNK ngày 14/11/2014 - Hàng hóa NK sau tái xuất
Công văn này hướng dẫn chính sách đối với hàng hóa NK sau tái xuất. Cụ thể như sau:
1) Về thủ tục hải quan:
Khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa theo quy định tại Điều 56 Thông tư số 128/2013/TT-BTC, doanh nghiệp khai mã loại hình XKD15. Tại ô số 29 (ghi chép khác) tờ khai hải quan xuất khẩu ghi rõ hàng hóa được xuất khẩu từ tờ khai nhập khẩu cụ thể nào.
2) Về chính sách thuế:
a) Về thuế nhập khẩu:
Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan (để sử dụng trong khu phi thuế quan hoặc xuất khẩu ra nước ngoài; trừ trường hợp xuất vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác thực hiện theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính) được xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp tương ứng với số lượng hàng thực tế tái xuất và không phải nộp thuế xuất khẩu nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Hồ sơ hoàn thuế nhập khẩu, không thu thuế xuất khẩu thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 120, Điều 126 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.
b) Về thuế GTGT:
- Khi hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam: Mức thuế suất thuế GTGT thực hiện theo quy định tại Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 hướng dẫn thực hiện thuế GTGT theo Danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam.
- Khi xuất khẩu lô hàng hóa đó ra nước ngoài: Mức thuế suất thuế GTGT thực hiện theo quy định tại Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.
Công văn 13902/TCHQVNACCS ngày 18/11/2014 - Vướng mắc về chức năng thanh khoản khi khai báo hệ thống VNACCS/VCIS
Công văn này giải đáp vướng mắc về chức năng thanh khoản khi khai báo hệ thống VNACCS/VCIS. Theo đó, phần mềm miễn phí do phía Nhật Bản cung cấp để khai đến hệ thống VNACCS/VCIS chỉ phục vụ việc khai thủ tục Hải quan điện tử, không bao gồm các chức năng phục vụ thanh khoản. Để phục vụ thanh khoản hàng hóa, phần mềm do các đơn vị tự xây dựng thực hiện theo quy định tạm thời về định dạng thông điệp dữ liệu điện tử trao đổi giữa Cơ quan Hải quan và các bên liên quan do Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định số 2704/QĐ-TCHQ ngày 30/11/2012. Doanh nghiệp có thể căn cứ theo Quyết định trên để tự xây dựng phần mềm thanh khoản. Thực hiện Luật Hải quan năm 2014 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, phương pháp quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất sẽ có những điều chỉnh, thay đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đề nghị doanh nghiệp theo dõi các quy định của luật Hải quan để phục vụ khai báo thủ tục Hải quan điện tử.
Công văn 1522/GSQL-GQ2 ngày 18/11/2014 - Thủ tục điều chỉnh định mức nguyên liệu
Công văn này giải đáp vướng mắc về thủ tục điều chỉnh định mức nguyên liệu. Cụ thể như sau:
1.Về việc điều chỉnh định mức sau khi xuất khẩu sản phẩm:
- Đối với loại hình gia công: thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 13/2014/TT-BTC ngày 24/01/2014 của Bộ Tài chính.
- Đối với loại hình SXXK: thực hiện theo quy định tại Điều 37 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/09/2013 của Bộ Tài chính.
2.Về định mức thông báo với cơ quan hải quan và định mức thực tế thực hiện:
Về nguyên tắc, định mức thực tế sản phẩm xuất khẩu do thương nhân tự xây dựng và sử dụng vào đúng mục đích gia công, SXXK. Định mức dùng để báo cáo quyết toán với cơ quan Hải quan là định mức thực tế sử dụng sản xuất ra một đơn vị sản phẩm xuất khẩu.
3. Về việc thông báo định mức:
Theo quy định mới của Luật Hải quan được Quốc hội thông qua ngày 23/06/2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 thì đối với loại hình gia công, SXXK thương nhân không phải thông báo định mức với cơ quan Hải quan mà tự lưu và có trách nhiệm xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.
Người đọc có thể tham khảo thêm các văn bản mới khác tại:
Nguồn: taiviet.net
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]