Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Sản phẩm - dịch vụ

Điểm tin văn bản trong lĩnh vực hải quan đáng lưu ý tuần qua (16/06 - 21/06/2013)

Tác giả : AA001 | 22 - 06 - 2014 | 3:05 PM | 1388 Lượt xem

Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan cần lưu ý trong tuần qua (16/06 - 21/06/2014).

Công văn 769/GSQL-TH ngày 13/06/2014 - Cấp mã địa điểm tập kết hàng hóa xuất khẩu:

Công văn này hướng dẫn về việc cấp mã địa điểm tập kết hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể như sau:

- Về nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp mã:

Trường hợp doanh nghiệp có nhiều địa điểm tập kết hàng hóa tại nhiều tỉnh, thành phố khác nhau thì doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp mã địa điểm tập kết hàng hóa tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi quản lý địa điểm đó.

- Về phân công Chi cục hải quan quản lý kho bãi tập kết hàng hóa XK:

Theo thiết kế trên hệ thống VNACCS, khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, người khai hải quan phải khai địa điểm tập kết hàng hóa nhằm mục đích xác định có hàng hóa xuất khẩu; địa điểm tập kết sẽ được mã hóa trên hệ thống và gắn với Cục Hải quan, Chi cục hải quan quản lý. Do vậy, để mã hóa được các địa điểm tập kết thì bắt buộc phải có sự phân công Chi cục hải quan quản lý. Trường hợp doanh nghiệp có một địa điểm tập kết hàng hóa nhưng làm thủ tục xuất khẩu tại nhiều Chi cục hải quan khác nhau thì Cục Hải quan tỉnh, thành phố phân công một Chi cục hải quan thuận tiện nhất để quản lý.

Công văn 771/GSQL-GQ1 ngày 13/06/2014 - Nhập khẩu thép nguyên liệu:

Công văn này giải đáp vướng mắc về việc nhập khẩu thép nguyên liệu. Theo hướng dẫn tại điểm a Khoản 1 công văn số 4719/BCT-KHCN ngày 30/5/2014 của Bộ Công Thương thì các doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN của liên Bộ Công Thương - Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp chế xuất (DNCX) hoạt động trong Khu chế xuất (KCX) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN.

Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp các DNCX không nằm trong KCX mà hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN), việc quản lý hải quan đối với các DNCX hoạt động tại các KCN về bản chất cũng tương tự các DNCX hoạt động trong KCX.

Mặt khác, Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2013 của liên Bộ Công Thương - Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành nhằm mục đích quản lý chất lượng đối với thép sản xuất và nhập khẩu để sử dụng trong nước.

Do vậy, trường hợp DNCX hoạt động tại các KCN nhập khẩu thép làm nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN.

Công văn 7256/TCHQ-GSQL ngày 17/06/2014 - Một số vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu:

Công văn này giải đáp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể như sau:

1. Về việc xác định lượng hàng hóa theo chứng thư giám định:

- Trường hợp thương nhân giám định thực hiện việc giám định để xác định lượng hàng hóa tại cửa khẩu xuất khẩu hàng thì cơ quan Hải quan căn cứ vào kết quả giám định của thương nhân giám định về lượng hàng để thực hiện.

- Trường hợp doanh nghiệp đề nghị thực hiện giám định tại địa điểm xếp hàng của doanh nghiệp để xác định lượng hàng hóa thì cơ quan Hải quan chỉ xem xét đồng ý với kết quả giám định của thương nhân giám định về lượng hàng hóa tại địa điểm xếp hàng của doanh nghiệp khi đảm bảo yêu cầu về giám sát hải quan đối với hàng hóa kể từ khi cơ quan giám định tiến hành các biện pháp để xác định lượng hàng hóa cho đến khi hàng hóa vận chuyển đến cửa khẩu xuất khẩu từ địa điểm xếp hàng của doanh nghiệp (giám sát trực tiếp của công chức hải quan hoặc giám sát bằng phương tiện kỹ thuật).

2. Về việc ghi thông tin phương tiện vận tải dùng để vận chuyển hàng hóa từ nội địa đến khu vực cửa khẩu biên giới:

Giao doanh nghiệp tự kê khai và chịu trách nhiệm về nội dung kê khai phương tiện dùng để vận chuyển hàng hóa từ nội địa đến khu vực cửa khẩu đối với các trường hợp hàng hóa xuất khẩu sau khi đã lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhiều ngày.

Công văn 6901/TCHQ-TXNK ngày 11/06/2014 - Áp dụng khoản điều chỉnh trừ đối với phần chuyển nội địa và chi phí cước dịch vụ hải quan:

Công văn này hướng dẫn áp dụng khoản điều chỉnh trừ đối với phần chuyển nội địa và chi phí cước dịch vụ hải quan. Theo đó, trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên; khoản điều chỉnh cộng, khoản điều chỉnh trừ khi xác định trị giá tính thuế. Người khai hải quan có trách nhiệm tự kê khai đầy đủ, chính xác trị giá tính thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai.

Công văn 6946/TCHQ-GSQL ngày 12/06/2014 - Xác nhận “hàng đã qua khu vực giám sát” trên tờ khai VNACCS:

Công văn này hướng dẫn về việc xác nhận “hàng đã qua khu vực giám sát” trên tờ khai VNACCS. Theo đó, việc xác nhận “hàng đã xuất khẩu”, “hàng đã qua khu vực giám sát” theo hướng dẫn tại công văn số 6006/TCHQ-GSQL dẫn trên thực hiện từ ngày Tổng cục Hải quan có công văn hướng dẫn. Đối với các tờ khai xuất khẩu hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất phát sinh trên hệ thống VNACCS/VCIS đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất xác nhận “hàng đã qua khu vực giám sát” theo quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BTC từ ngày 01/4-27/5/2014, Tổng cục Hải quan chấp nhận các tờ khai này trong bộ hồ sơ đề nghị thanh khoản hoàn thuế, không thu thuế.

Công văn 7878/BTC-TCHQ ngày 13/06/2014 - Hoàn thuế xuất khẩu hàng tái xuất quá 365 ngày:

Công văn này giải đáp vướng mắc về về điều kiện và hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu nhưng xuất khẩu sang nước thứ ba đối với lô hàng gỗ trắc cam bốt xẻ. Theo đó, cơ quan hải quan thực hiện:

- Kiểm tra sổ sách, chứng từ kế toán, phiếu nhập - xuất kho, hồ sơ hải quan và các giao dịch có liên quan của các lô hàng gỗ nhập khẩu, xuất khẩu.

- Kiểm tra hồ sơ nguồn gốc lâm sản theo quy định tại Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2012); quy định về kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu vào Việt Nam theo Điều 1 Thông tư số 40/2012/TT-BNNPTNT ngày 15/8/2012.

Qua kết quả kiểm tra nêu trên nếu xác định số gỗ nhập khẩu thuộc các tờ khai nhập khẩu đáp ứng: Các điều kiện quy định tại khoản 8 Điều 112 (trừ yêu cầu về thời hạn tái xuất khẩu), Điều 120 Thông tư 128/2013/TT-BTC; quy định về xác nhận lâm sản và hồ sơ nguồn gốc lâm sản theo quy định tại Điều 7, Điều 10 Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT; quy định về kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu vào Việt Nam theo Điều 1 Thông tư số 40/2012/TT-BNNPTNT; đồng thời Công ty có văn bản cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc các lô hàng xuất khẩu đều có nguồn gốc nhập khẩu và phù hợp về số lượng, chủng loại, quy cách như khai báo thì thực hiện không thu thuế xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu (hoàn thuế xuất khẩu nếu đã nộp) cho Công ty. Cơ quan hải quan thông báo cho Cục thuế địa phương để xử lý về thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định.

Công văn 7263/TCHQ-VNACCS ngày 17/06/2014 - Đề xuất in và xác nhận thông quan trên Tờ khai hải quan và theo dõi hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập:

Công văn này giải đáp về đề xuất in và xác nhận thông quan trên Tờ khai hải quan và theo dõi hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập. Cụ thể như sau:

- Về đề xuất in và xác nhận thông quan trên Tờ khai hải quan:

Đối với tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu luồng xanh đã được quyết định thông quan, giải phóng hàng, người khai hải quan tự in tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (trừ thông tin chi tiết từng dòng hàng) trên hệ thống để xuất trình cho công chức bộ phận giám sát tại Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa xác nhận hàng qua khu vực giám sát, ký và đóng dấu công chức vào góc trên cùng bên phải của trang đầu tiên tờ khai.

Tuy nhiên, trong thời gian Hệ thống VNACCS chưa triển khai toàn diện trên toàn quốc, để giảm thiểu các rủi ro do Hệ thống giám sát hải quan gặp sự cố, người khai hải quan xuất trình tờ khai hải quan điện tử in đã có quyết định thông quan để Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan xác nhận trước khi ra khu vực giám sát hải quan để lấy hàng.

- Về đề xuất theo dõi hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập:

Đối với hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa tiêu dùng trong Công ty có nguồn gốc là hàng nhập khẩu (xuất điều phối nguyên vật liệu giữa các Công ty trong tập đoàn, xuất sửa chữa, xuất thay thế...), khi khai báo thông tin hàng hóa xuất khẩu, không bắt buộc khai báo thông tin về tờ khai hải quan nhập khẩu ban đầu và công chức hải quan không phải kiểm tra đối chiếu thông tin tờ khai nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu với tờ khai nhập khẩu tương ứng, hay theo dõi tạm nhập tái xuất.

Nguồn: taiviet.net

Người đọc có thể tham khảo thêm các văn bản mới khác tại: 

Bản tin hải quan số 2314

Tag:
  • ,
  • Share: 

    Hotline:

    (84) 2253 250 250

    Email:

    [email protected]