Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan cần lưu ý trong tuần qua (12/10 - 17/10/2015):
Công văn 9268/TCHQ-TXNK ngày 07/10/2015 - Hướng dẫn xử lý bảo lãnh thuế
Công văn này hướng dẫn về việc xử lý bảo lãnh thuế của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), theo đó:
1. Về thời hạn nộp thuế và thời hạnbảo lãnh:
Khoản 3 Điều 42 Thông tư 38/2015/TT-BTCngày 25/3/2015 của Bộ Tài Chính quy định: “… Trong thời gian bảo lãnh phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày thực nộp thuế”.
Theo quy định trên, thời gian tính tiền chậm nộp kể từ ngày thông quan hoặc giải phóng hàng đến ngày thực nộp thuế, không tính từ ngày đăng ký tờ khai (áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13).
2. Về điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh:
Điều 43 Thông tư 38/2015/TT-BTCngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về bảo lãnh thuế được quy định tại Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13. Như vậy, riêng việc bảo lãnh thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.
Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13 thì: “Các trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp (nếu có), thì tổ chức nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế”.
3. Về phát hành thư bảo lãnh thanh toán thuế bằng phương thức điện tử:
Khoản 5 Điều 43 Thông tư số 38/2015/TT-BTCquy định: “Trường hợp bảo lãnh thuế bằng phương thức điện tử của các ngân hàng thương mại đã ký kết, thỏa thuận phối hợp thu với Tổng cục Hải quan: Khi nhận được thông tin số tiền bảo lãnh thuế tại ngân hàng thương mại qua hệ thống thanh toán điện tử trên cổng thanh toán điện tử của Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Tổng cục Hải quan và chấp nhận thông quan hàng hóa”.
Trong trường hợp phát hành thư bảo lãnh thuế cho các tờ khai luồng vàng, luồng đỏ có sự thay đổi về thuế (tăng số tiền thuế phải nộp so với số thuế tạm tính ban đầu), (1) người nộp thuế muốn sử dụng bảo lãnh toàn bộ số tiền thuế phải nộp thì đề nghị ngân hàng phát hành thư bảo lãnh mới và khai sửa đổi bổ sung bằng số, ký hiệu thư bảo lãnh mới; hoặc (2) người nộp thuế khai lại hình thức thanh toán từ mã A hoặc B sang mã D - nộp thuế ngay và nộp tiền thuế chênh lệch, cán bộ hải quan tra cứu thông tin bảo lãnh điện tử từ chức năng “Cổng thông tin” tại hệ thống KTTT nhập lại thông tin bảo lãnh vào KTTT (chức năng: nhập bảo lãnh sau khi có tờ khai) theo quy định, hệ thống KTTT sẽ kiểm tra việc thanh toán thuế và bảo lãnh để xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế và xử lý thông quan hàng hóa.
Việc theo dõi, xử lý bảo lãnh thực hiện tương tự như đối với các hình thức bảo lãnh quy định tại điểm d khoản 3 và điểm d khoản 4 Điều 43 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Công văn 9375/TCHQ-GSQL ngày 12/10/2015 - Hướng dẫn thủ tục hải quan đối với sản phẩm gia công biếu tặng
Công văn này trả lời vướng mắc về thủ tục hải quan đối với sản phẩm gia công biếu tặng của Công ty TNHH CN Giầy Aurora Việt Nam, theo đó:
1. Về thủ tục hải quan:
Đối với sản phẩm giầy bị lỗi, không đủ điều kiện xuất khẩu, bên đặt gia công là Công ty Nike Pte có văn bản chấp thuận cho phép Công ty TNHH CN Giầy Aurora Việt Nam biếu tặng cho Quỹ xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng thì thủ tục hải quan được vận dụng thực hiện theo quy định tại tiết a2, điểm a, khoản 3 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Khi làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ, ngoài hồ sơ theo quy định, Công ty phải xuất trình văn bản chỉ định của đối tác nước ngoài là Công ty Nike Pte biếu tặng 3096 đôi giầy bị lỗi cho Quỹ xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng.
2. Về việc khai hải quan
Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ, trường hợp Quỹ xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng không có chức năng làm thủ tục xuất nhập khẩu thì thủ tục hải quan được thực hiện thông qua đại lý làm thủ tục hải quan.
Công văn 9428/TCHQ-GSQL ngày 13/10/2015 - Hướng dẫn xác định thời điểm khai báo, làm thủ tục hải quan
Công văn này hướng dẫn một số vướng mắc trong quá trình quản lý hàng hóa đưa ra, đưa vào các địa điểm tập kết, kiểm tra chờ làm thủ tục hải quan tại của khẩu biên giới tỉnh Tây Ninh, theo đó:
1. Việc tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu chờ làm thủ tục hải quan:
Đối với cửa khẩu biên giới đường bộ việc giao nhận tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu chờ làm thủ tục hải quan là thực tế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Căn cứ Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã công nhận và thành lập các địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa ở biên giới để đảm bảo công tác giám sát quản lý của cơ quan hải quan, đồng thời giao Cục Hải quan địa phương ban hành quy định giám sát đặc thù đối với hàng hóa đưa vào đưa ra các địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa. Các văn bản này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chỉ quy định hướng dẫn công tác quản lý của cơ quan hải quan, quy định nhiệm vụ cụ thể của công chức hải quan trong thực thi nhiệm vụ, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ không để xảy ra sai phạm.
2. Về chứng từ trong hồ sơ hải quan và thời hạn nộp hồ sơ:
- Tại khoản 4 Điều 24 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 quy định: “Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mẫu tờ khai hải quan, việc sử dụng tờ khai hải quan và chứng từ thay thế tờ khai hải quan, các trường hợp phải nộp, xuất trình chứng từ có liên quan quy định tại khoản 1 Điều này”. Phiếu theo dõi hàng hóa đưa vào địa điểm tập kết hàng hóa không do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành nên không được coi là chứng từ thay thế tờ khai.
- Theo quy định, việc khai báo hải quan là cơ sở để giải quyết thủ tục hải quan và là cơ sở để xử lý vi phạm (nếu có). Khoản 1 Điều 25 Luật Hải quan 2014 quy định: “a) Đối với hàng xuất khẩu, nộp sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm người khai hải quan thông báo và chậm nhất là 04 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh; b) Đối với hàng hóa nhập khẩu, nộp trước ngày hàng hóa đến cửa khẩu hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hàng hóa đến cửa khẩu”. Như vậy, trường hợp nộp Phiếu theo dõi đưa hàng hóa vào địa điểm tập kết không phải là chứng từ thay thế tờ khai, không được xác định là thời điểm khai báo hải quan. Thời điểm hàng đưa vào các địa điểm tập kết được sử dụng để xác định thời điểm hàng đến cửa khẩu nhập, hàng hóa đưa vào, đưa ra địa điểm tập kết phải thống nhất với nội dung trên phiếu theo dõi và phải được giám sát hải quan. Đối với các trường hợp nghi ngờ, Chi cục Hải quan thực hiện kiểm tra thực tế 100% khi làm thủ tục đối với hàng hóa.
3. Công văn số 1592/HQTN-NV ngày 31/8/2015 của Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh quy định về giám sát hàng hóa đưa vào địa điểm tập kết, kiểm tra ở biên giới chỉ được quy định hướng dẫn công tác quản lý của cơ quan hải quan và nhiệm vụ cụ thể của công chức hải quan trong thực hiện giám sát, quản lý hàng hóa. Tuy nhiên, Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh đã đưa một số nội dung như trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh địa điểm, trách nhiệm của doanh nghiệp có hàng hóa đưa vào địa điểm tập kết là chưa đúng quy định và không đúng thẩm quyền. Do đó, yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh rà soát lại các quy định về giám sát hàng hóa đưa vào địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa ở biên giới, soạn thảo thành Quyết định ban hành quy định giám sát hàng hóa đưa vào địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa ở biên giới, báo cáo Tổng cục Hải quan thẩm định trước khi ban hành.
Công văn 9552/TCHQ-TXNK ngày 14/10/2015 - Hướng dẫn xử lý thuế mặt hàng rượu tái xuất quá 365 ngày
Công văn này hướng dẫn về việc hoàn thuế mặt hàng rượu nhập khẩu sau đó tái xuất quá hạn 365 ngày của Công ty TNHH Diageo Việt Nam, theo đó:
Căn cứ điểm a khoản 8 Điều 113 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ ngày 20/01/2011 đến ngày 30/10/2013) quy định điều kiện xét hoàn lại thuế nhập khẩu đã nộp và không phải nộp thuế xuất khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu nhưng tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba gồm:
“a.1) Hàng hóa được tái xuất ra nước ngoài hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan trong thời hạn tối đa 365 ngày kể từ ngày thực tế nhập khẩu;
…
a.3) Hàng hóa làm thủ tục xuất trả tại Chi cục Hải quan đã làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đó.
Trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu nhưng phải tái xuất trả lại chủ hàng nước ngoài hoặc tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan, nếu hồ sơ thuộc diện hoàn trước kiểm tra sau nhưng không đáp ứng được điều kiện quy định tại điểm a.1 và điểm a.3 khoản này thì cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế nhập khẩu và không thu thuế xuất khẩu sau theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 128 Thông tư này”.
Trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, gỗ, căn cứ thẩm quyền ban hành Thông tư số 194/2010/TT-BTC, Bộ Tài chính đã ban hành công văn số 19128/BTC-TCHQ ngày 30/12/2014 chỉ đạo: “Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố không thực hiện hoàn thuế đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, gỗ nhập khẩu sau đó tái xuất quá 365 ngày kể từ ngày nhập khẩu”.
Liên quan đến việc thực hiện công văn số 19128/BTC-TCHQ ngày 30/12/2014, Bộ Tài chính đã có các công văn số 357/BTC-TCHQ ngày 12/01/2015; số 404/BTC-TCHQ ngày 13/01/2015; số 4056/BTC-TCHQ ngày 30/3/2015 hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính, đối chiếu với trường hợp mặt hàng rượu của Công ty TNHH Diageo Việt Nam, do thời gian từ khi nhập khẩu đến khi tái xuất quá hạn 365 ngày nên không đủ điều kiện để cơ quan hải quan trình Bộ Tài chính xử lý hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Nguồn: taiviet.net
Người đọc có thể tham khảo thêm các văn bản mới khác tại:
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]