Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Sản phẩm - dịch vụ

Điểm tin văn bản trong lĩnh vực hải quan đáng lưu ý tuần qua (11/01 - 16/01/2016)

Tác giả : AA006 | 16 - 01 - 2016 | 4:22 PM | 2077 Lượt xem

Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan cần lưu ý trong tuần qua (11/01 - 16/01/2016):

Công văn 29/TCHQ-GSQL ngày 04/01/2016 - Hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng và quy định hàng hóa miễn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm

Công văn này trả lời công văn số 2583/NV ngày 30/11/2015 của Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh bưu điện về việc xử lý hàng hoá tồn đọng và quy định hàng hoá miễn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, theo đó:

1. Về việc xử lý hàng hóa tồn đọng:

Ngày 13/10/2015, Bộ Tài chính đã có công văn số 14302/BTC-QLCS hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc áp dụng pháp luật để xử lý hàng hóa tồn đọng là thư, gói, kiện hàng hóa không có người nhận.

Vì vậy, đề nghị Công ty nghiên cứu công văn số 14302/BTC-QLCS nêu trên để thực hiện.

2. Về việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình quà biếu, tặng:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu thì hàng hóa nhập khẩu theo loại hình quà biếu, tặng không thuộc đối tượng được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.

Về kiến nghị miễn kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa là quà biếu tặng của cá nhân nằm trong định mức miễn thuế không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty có văn bản kiến nghị Bộ Y tế (là cơ quan chủ trì Luật An toàn thực phẩm) để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Công văn 111/TCHQ-GSQL ngày 06/01/2016 - Hướng dẫn thực hiện Thông tư số 37/2015/TT-BCT

Công văn này hướng dẫn thực hiện Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30/10/2015, theo đó:

1. Điều 1: Về phạm vi điều chỉnh

Tại dự thảo Thông tư lấy ý kiến tham gia ban hành kèm theo công văn số 8395/BCT-KHCN ngày 12/8/2015 của Bộ Công Thương, mặt hàng nhập khẩu theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 37/2015/TT-BCT, mặt hàng nhập khẩu theo các loại hình nêu trên thuộc các trường hợp phải kiểm tra hồ sơ.

Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 37/2015/TT-BCT quy định phạm vi điều chỉnh là các sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Về bản chất, các sản phẩm, nguyên liệu dệt may nhập khẩu theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, các sản phẩm là nguyên liệu của doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu không tiêu thụ tại Việt Nam, trường hợp muốn tiêu thụ tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng và áp dụng chính sách quản lý như đối với hàng hóa nhập khẩu thông thường.

Do vậy, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đưa các mặt hàng, sản phẩm, nguyên liệu dệt may nhập khẩu theo các loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, các sản phẩm là nguyên liệu của doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu vào các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 37/2015/TT-BCT.

2. Điều 1: Về khái niệm “Sợi, vải mộc chưa qua xử lý hoàn tất”

Tại điểm 1 công văn số 8431/TCHQ-GSQL ngày 16/9/2015 của Tổng cục Hải quan tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư (nay là Thông tư số 37/2015/TT-BCT), Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, quy định cụ thể nội dung “Sợi, vải mộc chưa qua xử lý hoàn tất”, quy định cụ thể mã số HS để tránh trùng với nhóm hàng hóa của các mặt hàng khác. Tuy nhiên, tại Thông tư số 37/2015/TT-BCT, Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn nội dung này. Do đó, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung để cơ quan hải quan và doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện thống nhất.

3. Điều 9: Về quy định lấy mẫu:

Tại điểm 3 công văn số 8431/TCHQ-GSQL ngày 16/9/2015, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Công Thương quy định cụ thể trường hợp doanh nghiệp mua hàng của nhà xuất khẩu nhưng không xuất trình được mẫu vật liệu dệt thì có phải lấy mẫu sản phẩm nguyên chiếc để kiểm tra hay không? Tuy nhiên, tại Thông tư số 37/2015/TT-BCT chưa có hướng dẫn. Trường hợp lấy mẫu sản phẩm nguyên chiếc sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp đo trị giá sản phẩm nguyên chiếc để lấy mẫu thường rất lớn như đệm ghế sofa của ô tô, ... Đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn rõ đối với nội dung này.

4. Điều 12: Về nội dung đưa hàng về bảo quản

Điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư quy định đối với trường hợp kiểm tra giảm, tổ chức cá nhân nhập khẩu thuộc doanh nghiệp được ưu tiên theo quy định tại Điều 8 và Điều 23 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được đưa hàng về kho bảo quản. Khi có kết quả kiểm tra nhà nước sẽ tiến hành làm thủ tục thông quan chính thức.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT- BTC, đối với hàng hóa kiểm tra chất lượng: “Việc kiểm tra được thực hiện tại cửa khẩu; trường hợp đưa hàng về địa điểm khác để kiểm tra theo đề nghị của cơ quan kiểm tra chuyên ngành hoặc người khai hải quan có yêu cầu đưa hàng về bảo quản, người khai hải quan có văn bản đề nghị theo mẫu số 09/BQHH/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai xem xét quyết định cho đưa hàng về bảo quản tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa; kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chịu sự giám sát của cơ quan hải quan; địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc kho, bãi của người khai hải quan”.

Do đó, Tổng cục Hải quan kiến nghị việc đưa hàng về bảo quản đối với hàng hóa phải kiểm tra chất lượng được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, không quy định cụ thể đối với từng trường hợp như tại Thông tư số 37/2015/TT-BCT.

5. Điều 18: Quy định chuyển tiếp

Theo quy định, từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, cơ quan hải quan chỉ thông quan khi tổ chức, cá nhân nhập khẩu xuất trình thông báo kết quả kiểm tra nhà nước cho các lô hàng nhập khẩu đạt yêu cầu. Tuy nhiên, Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/12/2015, do đó, từ thời điểm Thông tư có hiệu lực đến 01/7/2016, doanh nghiệp nhập khẩu có phải thực hiện việc kiểm tra chất lượng để cơ quan hải quan thông quan hàng hóa hay không? Đề nghị Bộ Công Thương có hướng dẫn cụ thể.

Công văn 159/TCHQ-GSQL ngày 07/01/2016 - Hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu

Công văn này Trả lời công văn 2012512/CV-HQ ngày 25/12/2015 của Công ty Cổ Phần Thực Phẩm A-V-C Bến Tre về việc hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có ghi “Made in Việt Nam” trên sản phẩm nhập khẩu nhưng trên bao bì carton và C/O mẫu E thể hiện xuất xứ “Made in China”, theo đó:

1. Về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu:

Công ty được nhập khẩu sản phẩm hộp sắt tráng thiếc và túi nhựa ghi sẵn dòng chữ “Made in Việt Nam” để đóng gói hàng xuất khẩu của Công ty nhưng phải tuân thủ đúng các quy định về ghi nhãn và xuất xứ của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu. Công ty phải sử dụng các hộp sắt và túi nhựa nhập khẩu trên đúng mục đích đã khai báo với Cơ quan Hải quan và chịu trách nhiệm về xuất xứ của hàng hóa đóng trong túi nylon mang dòng chữ “Made in Việt Nam” theo quy định về quy tắc xuất xứ.

2. Về hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt:

Trường hợp doanh nghiệp xuất trình C/O mẫu E cho lô hàng hộp sắt tráng thiếc và túi nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc thì Cơ quan Hải quan xem xét, chấp nhận C/O, nếu không có nghi ngờ nào khác về tính hợp lệ của C/O mẫu E.

Nguồn: taiviet.net

Người đọc có thể tham khảo thêm các văn bản mới khác tại:

Bản tin hải quan số 0216

Share: 

Hotline:

(84) 2253 250 250

Email:

[email protected]