Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Sản phẩm - dịch vụ

Điểm tin văn bản trong lĩnh vực hải quan đáng lưu ý tuần qua (10/03-15/03/2014)

Tác giả : AA001 | 15 - 03 - 2014 | 2:10 PM | 1552 Lượt xem

Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan trong tuần qua (10/03-15/03/2014) cần lưu ý như sau:

Thông tư 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 - Quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại:

Thông tư này quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Một số điểm mới cần lưu ý như sau:

- So với quy định tại Thông tư 196/2013/TT-BTC, Thông tư 22/2014/TT-BTC đưa ra quy định mới về việc DN không phải in tờ khai hải quan. Theo đó, trong quá trình làm thủ tục hải quan, người khai hải quan không phải in tờ khai hải quan điện tử. Cơ quan Hải quan không xác nhận trên tờ khai hải quan điện tử in của DN. Trường hợp các cơ quan quản lí Nhà nước cần xác nhận thông tin tờ khai hải quan thì sẽ được cấp tài khoản truy cập hệ thống VNACCS để tra cứu thông tin. Người khai hải quan tự lưu giữ chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (bản giấy và điện tử) nhằm phục vụ thuận lợi cho công tác kiểm tra sau thông quan của cơ quan Hải quan.

- Theo thiết kế của Hệ thống VNACCS/VCIS, người khai hải quan phải đăng kí trước thông tin hàng hóa XNK trước khi khai hải quan. Việc đăng kí trước thông tin là giao dịch bắt buộc nhằm tăng tính chính xác trong khai báo hải quan. Thông tin đăng ký trước có giá trị sử dụng và được lưu giữ trên Hệ thống tối đa là 07 ngày kể từ thời điểm đăng ký trước hoặc thời điểm có sửa chữa cuối cùng.

- Thông tư nàyquy định một tờ khai hải quan chỉ được khai tối đa 50 mặt hàng. Trường hợp một lô hàng có trên 50 mặt hàng, người khai hải quan được khai báo trên nhiều tờ khai, các tờ khai của cùng một lô hàng có chung số tờ khai nhưng phân biệt với nhau bằng số nhánh của tờ khai tuần tự từ một đến hết.

- Đối với các loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu , chế xuất, Thông tư 22 quy định việc khai tờ khai XK, NK trên hệ thống VNACCS; việc khai báo hợp đồng gia công, danh mục sản phẩm, danh mục nguyên vật liệu, định mức, quyết toán thực hiện trên Hệ thống E- customs (Khi VNACCS/VCIS đi vào hoạt động,E-Customs là một trong những hệ thống CNTT vệ tinh của VNACCS/VCIS).

Thông tư này có hiệu lực từ 01/04/2014.

Công văn 2481/TCHQ-GSQL ngày 11/03/2014 - Thủ tục tái nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng sau khi sửa chữa, bảo hành ở nước ngoài:

Công văn này hướng dẫn thủ tục tái nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng sau khi sửa chữa, bảo hành ở nước ngoài. Cụ thể:

1. Đối với máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin đã qua sử dụng:

Căn cứ khoản 1, Điều 13 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định:

“1. Thương nhân được tạm xuất, tái nhập các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải để sửa chữa, bảo hành, sản xuất, thi công, cho thuê theo các hợp đồng sửa chữa, bảo hành, sản xuất, thi công, cho thuê với nước ngoài. Thủ tục tạm xuất, tái nhập quy định như sau:

a) Hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, khi tạm xuất, tái nhập phải có giấy phép của Bộ Công Thương.

b) Các loại hàng hóa khác không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này, thương nhân chỉ cần làm thủ tục tạm xuất, tái nhập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu”.

Như vậy, hàng hóa là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải thuộc lĩnh vực CNTT (hàng điện tử) đã qua sử dụng tạm xuất, tái nhập để sửa chữa, bảo hành phải có giấy phép của Bộ Công Thương.

2. Đối với hàng hóa là sản phẩm CNTT đã qua sử dụng:

Căn cứ khoản 5, Điều 13 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP quy định:

“Đối với hàng hóa là hàng tiêu dùng đa qua sử dụng, linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu chỉ được phép tạm xuất để sửa chữa, bảo hành với điều kiện hàng hóa đó còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu. Thủ tục tạm xuất, tái nhập giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu”

Như vậy, đối với trường hợp hàng điện tử đã qua sử dụng chỉ được phép tạm xuất, tái nhập trên cơ sở ý kiến cho phép của Bộ Công Thương (quy định tại khoản 1.a, Điều 13 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP) và điều kiện để được cấp phép là trong thời hạn bảo hành và được làm thủ tục tạm xuất, tái nhập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu (quy định tại khoản 5, Điều 13 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.

Công văn 2303/TCHQ-TXNK ngày 07/03/2014 - Vướng mắc trong khâu thanh khoản hàng nhập khẩu sản xuất xuất khẩu:

Công văn này giải quyết vướng mắc trong khâu thanh khoản hàng nhập khẩu SXXK. Cụ thể:

1- Về thủ tục khai báo hải quan:Trường hợp hợp đồng mua bán có thỏa thuận thanh toán theo kết quả giám định thực tế hàng hóa của Vinacontrol, lô hàng nhập khẩu có kết quả giám định chênh lệch số lượng so với khai báo thì Doanh nghiệp phải khai báo bổ sung hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

2- Về trị giá để tiến hành thanh khoản:Căn cứ khoản 8 Điều 20 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 , trường hợp hàng hóa nhập khẩu có sự chênh lệch về số lượng so với hóa đơn thương mại do tính chất hàng hóa, phù hợp với điều kiện giao hàng và điều kiện thanh toán trong hợp đồng mua bán thì khi xác định trị giá tính thuế phải căn cứ vào hóa đơn thương mại, hợp đồng mua bán (điều kiện giao hàng, tỷ lệ dung sai, đặc tính tự nhiên của hàng hóa và điều kiện thanh toán). Trị giá tính thuế không được thấp hơn trị giá thực thanh toán ghi trên hóa đơn thương mại và các chứng từ có liên quan.

Công văn 2877/BTC-TCHQ ngày 07/03/2014 - Hoàn thuế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu:

Công văn này giải quyết vướng mắc về việc hoàn thuế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu. Cụ thể, trong trường hợp Công ty không thể cung cấp tờ khai xuất khẩu, chứng từ thanh toán hàng xuất khẩu và hợp đồng xuất khẩu bản chính cho nhiều nhà cung cấp để làm thủ tục hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

1. Công ty căn cứ trên cơ sở số lượng hàng hóa, định mức sử dụng linh kiện, chi tiết để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, có công văn thông báo gửi cơ quan hải quan nơi nhà cung cấp nội địa của Công ty mở tờ khai nhập khẩu đề nghị hoàn thuế (theo mẫu đính kèm). Nội dung công văn của Công ty phải thể hiện rõ các thông tin:

- Số hiệu tờ khai xuất khẩu, ngày đăng ký tờ khai, địa điểm đăng ký tờ khai;

- Số lượng hàng hóa xuất khẩu của Công ty;

- Tên và số lượng bán thành phẩm do doanh nghiệp là nhà cung cấp nội địa xuất bán cho Công ty được cấu thành trong số lượng hàng hóa đã xuất khẩu.

- Cơ quan hải quan nơi doanh nghiệp là nhà cung cấp nội địa đề nghị hoàn thuế;

- Cam kết của Công ty chịu trách nhiệm về các thông tin đã khai báo với cơ quan hải quan.

2. Công ty thực hiện sao y tờ khai xuất khẩu (bản lưu người khai hải quan) cho nhà cung cấp nội địa, chịu trách nhiệm về số lượng bản sao tờ khai xuất khẩu cung cấp cho các nhà cung cấp nội địa, theo dõi trừ lùi về lượng bán thành phẩm cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu đảm bảo chính xác về số lượng và chủng loại.

3. Cơ quan hải quan nơi các nhà cung cấp nội địa đề nghị hoàn thuế căn cứ công văn thông báo của Công ty, bản sao tờ khai xuất khẩu, hợp đồng xuất khẩu (do Công ty phát hành cho nhà cung cấp nội địa), hóa đơn GTGT do nhà cung cấp nội địa phát hành khi bán thành phẩm cho Công ty để thay thế: Bản chính tờ khai xuất khẩu, bản chính chứng từ thanh toán hàng xuất khẩu, bản chính hợp đồng xuất khẩu trong bộ hồ sơ hoàn thuế nhập khẩu theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 118 Thông tư 128/2013/TT-BTC và thực hiện hoàn thuế cho các nhà cung cấp nội địa nếu thuộc đối tượng hoàn thuế quy định tại điểm c5 khoản 5 Điều 112 Thông tư 128/2013/TT-BTC.

Các nhà cung cấp nội địa chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ hoàn thuế xuất trình với cơ quan hải quan.

Công văn 259 /GSQL-GQ1 ngày 05/03/2014 - Sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan: 

Công văn này giải quyết vướng mắc về thời điểm sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan. Theo đó, việc khai bổ sung hồ sơ hải quan trước thời điểm quyết định miễn kiểm tra hoặc trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa đối với các tờ khai đang trong quá trình làm thủ tục hải quan. Việc sửa chữa, khai bổ sung thực hiện theo mẫu số 10/KBS/2013 phụ lục III ban hành kèm Thông tư 128.

Công văn  268/GSQL-GQ2 ngày 07/03/2014 - Thủ tục hải quan cho vật tư xây dựng từ nội địa vào doanh nghiệp chế xuất:

Công văn này hướng dẫn thủ tục hải quan cho vật tư xây dựng từ nội địa vào doanh nghiệp chế xuất. Theo đó, khoản 9 Điều 1 Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thì doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu và hải quan đối với vật liệu xây dựng từ nội địa Việt Nam đưa vào xây dựng công trình của doanh nghiệp chế xuất.

Công văn 269/GSQL-GQ2 ngày 07/03/2014 - Doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu:

Công văn này giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu. Cụ thể:

- Theo quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 4/4/2007 thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, phụ tùng, linh kiện, chi tiết, cụm chi tiết và các hàng hóa khác để triển khai hoạt động đầu tư phù hợp với mục tiêu của dự án đầu tư quy định tại Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư. Do vậy, việc Công ty nhập khẩu hàng hóa để phục vụ cho hoạt động sản xuất của chính công ty như quy định nêu trên thì không yêu cầu phải thực hiện các quy định liên quan đến quyền nhập khẩu quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007.

- Trường hợp Công ty là doanh nghiệp chế xuất nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu thì thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 có hiệu lực ngày 1/1/2014 và các văn bản liên quan.

Công văn 2304/TCHQ-TXNK ngày 07/03/2014 - Thanh lý hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của dự án có vốn đầu tư nước ngoài:

Công văn này hướng dẫn về thủ tục thanh lý hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong trường hợp của Công ty đáp ứng về điều kiện thanh lý và hình thức thanh lý, thì:

1- Về thủ tục hải quan:

Tại khoản 3 Điều 46 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 đã hướng dẫn cụ thể về điều kiện thanh lý, hồ sơ thanh lý hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của dự án có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 4/4/2007; hướng dẫn địa điểm, thủ tục thanh lý, thay đổi mục đích sử dụng.

2- Về trị giá tính thuế:

Căn cứ quy định tại điểm 1,1 khoản 1 Điều 20 Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010 thì trị giá tính thuế nhập khẩu của hàng hóa có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của hàng hóa, tính theo thời gian sử dụng tại Việt Nam. Nêu mức giá khai báo tại thời điểm nhập khẩu của hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế thấp hơn mức giá trong cơ sở dữ liệu giá cùng thời điểm, thì lấy mức giá trong cơ sở dữ liệu giá và tỷ lệ quy định nêu tại điểm này để xác định trị giá tính thuế.

Nguồn: taiviet.net


Tag:
  • ,
  • Share: 

    Hotline:

    (84) 2253 250 250

    Email:

    [email protected]