Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực hải quan cần lưu ý trong tuần qua (04/04 - 09/04/2016):
Công văn 2632/TCHQ-GSQL ngày 06/04/2016 - Việc nộp bổ sung C/O :
Công văn này hướng dẫn về nộp bổ sung C/O, theo đó :
- Căn cứ quy định tại Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17/5/2010, được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 42/2014/TT-BCT ngày 18/11/2014 của Bộ Công Thương; Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính: Đối với các tờ khai đăng ký từ ngày hiệu lực của Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu theo Điều 26 của Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Theo đó, người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu cho cơ quan hải quan tại thời điểm nộp bộ hồ sơ hải quan hoặc trong thời hạn theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Đối với các tờ khai đăng ký trước ngày hiệu lực của Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015: Tại thời điểm đăng ký tờ khai, theo mã số khai báo, doanh nghiệp không xuất trình C/O do mức thuế suất MFN thấp hơn hoặc bằng thuế suất ưu đãi đặc biệt nếu có C/O. Sau khi hàng hóa được thông quan, cơ quan hải quan xác định mã số HS khác với khai báo ban đầu dẫn đến mức thuế suất MFN cao hơn mức thuế suất ưu đãi đặc biệt. Căn cứ quy định tại Điều 14, Phụ lục 7, Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17/5/2010, cơ quan hải quan chấp nhận đề nghị được nộp bổ sung C/O của doanh nghiệp.
Công văn 2723/TCHQ-TXNK ngày 06/04/2016 - Về trả hồ sơ xác định trước mã số hàng hoá
Công văn này hướng dẫn về bộ hồ sơ xác định trước mã số, theo đó :
Căn cứ Điều 28 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
Căn cứ khoản 3 Điều 24 Nghị Định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính Phủ;
Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính;
Trường hợp người khai hải quan đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số đối với hàng hóa dự kiến nhập khẩu, người khai hải quan có trách nhiệm nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước mã số đến Tổng cục Hải quan. Hồ sơ xác định trước mã số gồm:
a) Đơn đề nghị xác định trước theo mẫu số 01/XĐTMS/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này: 01 bản chính;
b) Mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu.
Trường hợp không có mẫu hàng, tổ chức, cá nhân phải cung cấp tài liệu kỹ thuật (như bản phân tích thành phần, catalogue, hình ảnh hàng hóa), mô tả chi tiết thành phần, tính chất, cấu tạo, công dụng, phương thức vận hành của hàng hóa: 01 bản chính.
Công văn 2735/TCHQ-GSQL ngày 08/04/2016 - Hướng dẫn thực hiện thông tư 191/2015/TT-BTC
Công văn này hướng dẫn về thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế
1. Từ ngày 01/04/2016, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế theo quy định tại Thông tư số 191/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
2. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sẽ không thu lệ phí hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh khi thực hiện Thông tư số 191/2015/TT-BTC.
3. Căn cứ quy định tại Điểm a.3 khoản 4 Điều 14 của Thông tư 191/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc trừ lùi tiền thuế của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh nộp vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan sẽ được tự động trừ lùi trên Hệ thống. Tổng cục Hải quan đã có công văn hướng dẫn số 1119/TCHQ-TXNK ngày 06/02/2016 về việc hạch toán tiền thuế nộp trước vào tài khoản tiền gửi của cơ quan hải quan theo quy định tại Thông tư số 191/2015/TT-BTC.
4. Cơ quan Hải quan căn cứ vào trọng lượng khai báo của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh trên tờ khai hải quan để kiểm tra. Trường hợp có sự chênh lệch về trọng lượng cơ quan hải quan chấp nhận nội dung khai của doanh nghiệp chuyển phát nhanh, trừ trường hợp quy định tại Điểm a.2 khoản 1 Điều 32 Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ cụ thể như sau:
“Trường hợp thông tin về trọng lượng hàng hóa trên Hệ thống, các chứng từ do người khai hải quan xuất trình có sự chênh lệch bất thường với thông tin về trọng lượng hàng hóa trên các chứng từ khác do cơ quan hải quan thu thập được và lô hàng có khả năng vi phạm pháp luật, công chức hải quan đề xuất Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tạm dừng đưa hàng qua khu vực giám sát theo quy định tại Điều 14 Quy trình này. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chịu mọi chi phí phát sinh liên quan đến lô hàng trong trường hợp không phát hiện vi phạm”
5. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa có thể thực hiện qua máy soi. Trường hợp kiểm tra qua máy soi, phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc kết quả kiểm tra qua máy soi chưa đủ cơ sở để xác định hàng hóa thì tiến hành kiểm tra thủ công, Chi cục trưởng Chi cục chuyển phát nhanh căn cứ quản lý rủi ro và hồ sơ hải quan để ra quyết định kiểm tra theo hình thức soi chiếu bằng máy soi hoặc kiểm tra thủ công.
6. Căn cứ quy định tại điểm 2.69 khoản 2 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC trường hợp khai hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: Theo đó, việc mô tả hàng hóa được phép khai bằng Tiếng Việt hoặc bằng Tiếng Anh vì hàng hóa có trị giá thấp, được miễn thuế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh khi tiến hành khai báo hải quan phải khai báo cụ thể tiêu chí “nội dung mô tả tên hàng” để làm căn cứ xác định trị giá khai báo đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
7. Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân chưa có mã số thuế, trong thời gian chờ được cấp mã số thuế, người khai hải quan được phép sử dụng mã tạm “9999999999-998” để khai báo hải quan.
Nguồn: taiviet.net
Người đọc có thể tham khảo thêm các văn bản mới khác tại:
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]