Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Sản phẩm - dịch vụ

Điểm tin văn bản trong lĩnh vực doanh nghiệp nổi bật trong tuần qua (06/01-11/01/2014)

Tác giả : BP TVQLDN | 13 - 01 - 2014 | 8:52 AM | 1063 Lượt xem

Thông tư 01/2014/TT-BLĐTBXH ngày 08/01/2014: Quy định về thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, chế độ báo cáo việc cho thuê lại lao động:

Theo Thông tư số 01/2014/TT-BLĐTBXH  về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động, doanh nghiệp (DN) cho thuê lại lao động được quyền chuyển địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện trước thời hạn khi có hỏa hoạn, sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại, giải tỏa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và trong các trường hợp bất khả kháng khác.

Khi chuyển địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, DN phải có văn bản thông báo gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, kèm theo giấy tờ xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn (trường hợp do hỏa hoạn; sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại) hoặc giấy tờ công nhận của cơ quan có thẩm quyền (trường hợp do các nguyên nhân bất khả kháng khác).

Trước ngày 20/06 và 20/12 hàng năm, DN có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình, kết quả việc thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động về Vụ Pháp chế Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND cấp tỉnh nơi DN đặt trụ sở chính. Trường hợp Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi DN đặt trụ sở chính có yêu cầu; trường hợp xảy ra tai nạn lao động nặng, tai nạn lao động chết người đối với người lao động thuê lại trong quá trình cho thuê lại lao động hoặc DN cho thuê, bên thuê lại xảy ra tranh chấp lao động; đình công..., DN báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động cho thuê lại lao động đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2014

Thông tư 01/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014: Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số.

Ngày 02/01/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với doanh nghiệp (DN) kinh doanh xổ số, trong đó đáng chú ý là quy định về các khoản chi phí đặc thù được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập DN như chi phí trả thưởng; chi hoa hồng đại lý cho các đại lý xổ số; chi phí quay số mở thưởng và chi phí đóng góp hoạt động của Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực...

Trong đó, mức chi hoa hồng đại lý do DN kinh doanh xổ số quyết định trong từng thời kỳ, được ghi cụ thể tại hợp đồng đại lý xổ số nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không vượt quá 15% doanh thu bán vé xổ số có thuế của DN (giá trị vé xổ số đã bán); mức phí ủy quyền cho đại lý xổ số trả thưởng cho khách hàng trúng thưởng tối đa không quá 0,2% tổng giá trị giải thưởng mà đại lý xổ số đã thanh toán theo ủy quyền; mức đóng góp hoạt động của Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực tối đa là 60 triệu đồng/năm/công ty/hội đồng (05 triệu đồng/tháng)...

Cũng theo Thông tư này, DN kinh doanh xổ số được chi hỗ trợ cho công tác phòng chống số đề, làm vé số giả với tổng mức chi tối đa trong năm tài chính không vượt quá 1% tổng doanh thu bán vé có thuế của các DN kinh doanh xổ số đang hoạt động kinh doanh tại khu vực miền Bắc, miền Trung và kinh doanh loại hình sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán hoặc 0,1% tổng doanh thu bán vé có thuế của DN kinh doanh xổ số đang hoạt động kinh doanh tại khu vực miền Nam. Trong đó, mức chi đối với các vụ án đã đưa ra xét xử tối đa là 20 triệu đồng/vụ án; đối với các vụ xử phạt vi phạm hành chính, tối đa bằng 50% số tiền xử phạt vi phạm hành chính nhưng không vượt quá 05 triệu đồng/vụ án.

 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2014.

Nghị định 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014: Quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Nghị định trên quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Thời gian qua, theo Nghị định 69/2007/NĐ-CP, giới hạn mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó không vượt quá 15%.

Nghị định cũng nêu rõ, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, trừ trường hợp nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì tỷ lệ này là không được vượt quá 20%.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể.

Tỷ lệ sở hữu quy định nêu trên bao gồm cả phần vốn nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần

Nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của tổ chức tín dụng Việt Nam sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần, điều kiện sở hữu cổ phần theo quy định.

Theo Nghị định, tổ chức nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam trở lên phải đáp ứng 5 điều kiện:

Được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định hoặc tương đương trở lên.

Phải có đủ nguồn tài chính để mua cổ phần được xác định theo báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập năm liền kề trước năm nộp hồ sơ và nguồn vốn mua cổ phần hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Việc mua cổ phần không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.
Không vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán và thị trường chứng khoán của nước nơi nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính và Việt Nam trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ mua cổ phần.

Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 10 tỷ đô la Mỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính hoặc có mức vốn điều lệ tối thiểu tương đương 1 tỷ đô la Mỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức khác vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần.

Tổ chức nước ngoài mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phải đáp ứng 7 điều kiện.

Các điều kiện 1, 2, 3, 4 như đối với tổ chức nước ngoài mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Là ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính nước ngoài, công ty cho thuê tài chính nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật của nước nơi đặt trụ sở chính. Công ty tài chính nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại công ty tài chính Việt Nam. Công ty cho thuê tài chính nước ngoài chỉ được là nhà đầu tư chiến lược tại công ty cho thuê tài chính Việt Nam.

Có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từ 5 năm trở lên.

Có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ đô la Mỹ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ mua cổ phần.

Có văn bản cam kết và kế hoạch rõ ràng về việc gắn bó lợi ích lâu dài với tổ chức tín dụng Việt Nam, hỗ trợ tổ chức tín dụng Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành.

Không sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào khác tại Việt Nam.

Cam kết hoặc đã sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng Việt Nam mà tổ chức nước ngoài đề nghị mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Những quy định trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/2/2014.

Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013: Quy định của Chính Phủ về việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội

Cụ thể, đối với Dự án phát triển nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ, ưu đãi, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại) đã được phê duyệt.
Trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất; đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác mà diện tích đất đó được sử dụng để xây dựng nhà ở xã hội hoặc trường hợp chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất đối với quỹ đất 20% thì được Nhà nước hoàn trả lại hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư dự án phải nộp cho Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó, được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng; được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế suất thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội được ưu đãi khi vay vốn của các tổ chức tín dụng. Theo nghị định, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và các định chế tài chính có trách nhiệm dành lượng vốn tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua nhà thu nhập thấp vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường. Về kỳ hạn trả nợ phải phù hợp với khả năng của khách hàng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi từ nguồn ngân sách của địa phương, nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương...

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng được hỗ trợ từ nguồn ngân sách toàn bộ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án. Được miễn thực hiện thủ tục thẩm định cơ sở đối với trường hợp dự án sử dụng thiết kế mẫu.

Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được phát hành trái phiếu do chính phủ bảo lãnh theo quy định pháp luật về phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án được dành 20% tổng diện tích đất ở được giao trong phạm vi dự án phát triển nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm chi phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.

Nghị định cũng nêu rõ, hộ gia đình, cá nhân được tham gia đầu tư nhà ở xã hội với nhiều hỗ trợ, ưu đãitheo quy định sau: Được miễn tiền sử dụng đất khi được phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang xây dựng nhà ở xã hội; được miễn, giảm và hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác liên quan đến hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về thuế; được sử dụng nhà ở hình thành trong tương lai để làm tài sản thế chấp khi vay vốn đầu tư nhà ở xã hội;...

Ngoài ra, Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an được phép triển khai các dự án nhà ở xã hộitheo quy định để giải quyết nhà ở cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 1 lần.

Nguồn: Tài Việt.


Tag:
  • ,
  • Share: 

    Hotline:

    (84) 2253 250 250

    Email:

    [email protected]