Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp cần lưu ý trong tháng 10/2014 (01/10 - 31/10/2014):
Công văn 4078/LĐTBXH-LĐTL ngày 30/10/2014 - Giải quyết đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Công văn này giải quyết đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 thì khi hợp đồng lao động chấm dứt theo đúng quy định tại khoản 9 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư số 07/2010/TT-BYT ngày 05/4/2010 hướng dẫn việc giám định suy giảm khả năng lao động của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì hồ sơ giám định để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi quy định phải có giấy đề nghị giám định khả năng lao động của người lao động.
Theo đó, trường hợp người lao động có thời gian công tác tại Công ty là 39 năm 2 tháng nay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, người lao động không có nguyện vọng giám định khả năng lao động để thực hiện chế độ hưu trí trước tuổi quy định thì Công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động nêu trên.
Công văn 3957/LĐTBXH-LĐTL ngày 23/09/2014 - Giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động
Công văn này hướng dẫn giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động. Theo đó, trường hợp người lao động có thời gian làm việc tại Công ty từ tháng 03/1995 (sau ngày 01/01/1995) đến tháng 05/2013 thì chấm dứt hợp đồng lao động thì Công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đối với thời gian thực tế làm việc tại Công ty.
Công văn 4030/LĐTBXH-LĐTL ngày 28/09/2014 - Hướng dẫn chế độ trợ cấp mất việc làm
Công văn này hướng dẫn về chế độ trợ cấp mất việc làm. Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
Công văn 4045/LĐTBXH-LĐTL ngày 29/10/2014 - Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc
Công văn này hướng dẫn về tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc. Tại Điều 42 của Bộ luật Lao động, khi người lao động thôi việc ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó và người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 thì tiền lương làm căn cứ tính các chế độ trợ cấp thôi việc là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi thôi việc, gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).
Công văn 3923/LĐTBXH-BHXH ngày 21/10/2014 - Tuổi nghỉ hưu đối với lao động nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm
Công văn này giải đáp vướng mắc về tuổi nghỉ hưu đối với lao động nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Theo quy định của pháp luật, NLĐ được hưởng lương hưu khi nghỉ việc mà nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60, nữ từ đủ 50 đến đủ 55 tuổi và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm việc hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.Trường hợp NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định trên mà vẫn muốn tiếp tục làm việc và người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu sử dụng thì NLĐ vẫn tiếp tục làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định. Trường hợp người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc NLĐ không muốn tiếp tục làm việc thì thủ tục hồ sơ giải quyết để NLĐ hưởng lương hưu được quy định tại Điều 119, Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, người sử dụng lao động phải ra quyết định nghỉ việc và lập hồ sơ hưởng lương hưu đối với người đang đóng bảo hiểm xã hội gửi cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết.
Nghị định 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 - Quy định về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế
Nghị định này quy định về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Một sso điểm chính của Nghị định như sau:
- Nghị định này quy định thành lập tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để người lao động có nhu cầu, hoặc mong muốn được thành lập và tham gia hoạt động tại các tổ chức đó khi đủ điều kiện theo quy định.
- Đối tượng áp dụng theo Nghị định là Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp của tổ chức Đảng và của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; Hợp tác xã; Người quản lý doanh nghiệp và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp nêu trên.
- Các khoản chi hỗ trợ của doanh nghiệp cho tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ hoạt động được tính là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2014.
Người đọc có thể tham khảo thêm các văn bản mới khác tại:
Bản tin doanh nghiệp số 0814
Nguồn: taiviet.net
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]