Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Sản phẩm - dịch vụ

Điểm mới của Luật bảo hiểm xã hội 2014

Tác giả : Ms Thoa | 12 - 12 - 2014 | 10:49 AM | 2843 Lượt xem

Quốc hội vừa ban hành Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, theo đó Tài Việt điểm qua một số điểm mới nổi bật như sau:

1. Bổ sung thêm đối tượng áp dụng:

Theo đó, bổ sung 04 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau: 

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; 

- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; 

- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

- Người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

2. Bỏ các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp ra khỏi các chế độ bảo hiểm.

3. Sửa đổi nguyên tắc bảo hiểm xã hội:

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn bỏ quy định mức thu nhập này không thấp hơn mức lương tối thiểu chung.

Bổ sung thêm quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

4. Bổ sung, sửa đổi quyền của NLĐ:

Theo đó, một số điểm mới nổi bật trong quyền của NLĐ như sau:

Có quyền nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:

- Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;

- Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;

- Thông qua người sử dụng lao động.

Bãi bỏ trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hưởng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó bổ sung thêm  02 trường hợp NLĐ được hưởng bảo hiểm y tế đó là:

- Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

- Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

Bổ sung thêm các quyền sau:

- Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp quy định và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.

 - Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

5. Bổ sung, sửa đổi trách nhiệm của người sử dụng lao động:

Theo đó, bổ sung 02 trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:

- Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;.

- Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định.

6. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ ốm đau:

Theo đó, NLĐ được hưởng chế độ ốm đau khi bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

7. Sửa đổi mức dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sau thai sản:

Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở. Theo quy định cũ là  25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung. 

8.  Bổ sung, sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản:

Sửa đổi trường hợp NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 04 tháng tuổi thành dưới 06 tháng tuổi.

Bổ sung thêm 02 trường hợp được hưởng chế độ thai sản: Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

NLĐ đủ điều kiện quy định mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.

9. Sửa đổi thời gian hưởng chế độ sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý:

Thời gian nghỉ việc tối đa khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ như sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

10. Bổ sung, sửa đổi thời gian hưởng chế độ khi sinh con:

Sửa đổi: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng quy định Luật cũ là 04 tháng.

Bổ sung: Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

- 05 ngày làm việc;

- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

11. Sửa đổi mức lương hưu hàng tháng:

Trong 02 năm 2016, 2017 mức hưởng lưu hưu hàng tháng giữ nguyên theo quy định cũ. 

Từ năm 2018, thì mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

12. Sửa đổi mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với NLĐ:

NLĐ trừ người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm một lần.

Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Người lao động  trừ người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

13. Sửa đổi tiền lương hàng tháng đóng bảo hiểm xã hội:

 Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động (thay vì mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động theo quy định cũ).

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Luật này có hiệu lực từ 01/01/2016 và thay thế Luật bảo hiểm xã hội 2006.

Theo Tài Việt.


Share: 

Hotline:

(84) 2253 250 250

Email:

[email protected]