Có doanh nghiệp (DN) đến ngày đến tháng là chia cổ tức nhưng cũng có rất nhiều DN "ông lớn", có tiếng là lợi nhuận khủng, phát triển nhanh nhưng không trả cổ đông lấy một đồng trong nhiều năm.
Ông lớn nín tiếng
Ngân hàng An Bình (ABBank) vừa thông báo lùi thời gian chi trả cổ tức 2,46% (tương ứng với khoản tiền 118 tỷ đồng) năm 2013 cho cổ đông khi quá hạn thanh toán khoảng một tuần.
ABBank không đưa ra lý do chậm trả số cổ tức nói trên mà chỉ cho biết sẽ thông báo ngay khi nhận được sự chấp thuận của NHNN.
Đón nhận thông tin này, giới đầu tư không mấy quan tâm có lẽ bởi sự chậm trễ chi trả cổ tức trên TTCK đã trở nên phổ biến trong mấy năm gần đây. Còn với nhiều nhà đầu tư thì quan niệm 'chơi cổ phiếu không phải để ăn cổ tức'.
Trong mùa đại hội cổ đông 2014 hồi tháng 4-tháng 5, không ít người đã trải qua tâm trạng thất vọng quá nhiều khi hàng loạt các NH đồng loạt công bố tỷ lệ cổ tức ở mức rất thấp.
Rất nhiều NH thông qua mức cổ tức dưới 5% (tương đương 500 đồng/cp có mệnh giá 10.000 đồng). Nhiều NH thậm chí còn không chia cổ tức 2013 do lợi nhuận thấp như TPBank, SCB, VIB... hoặc lợi nhuận cao nhưng để phục vụ các mục đích khác. Một số NH còn vài năm chưa chia cổ tức như Techcombank, SouthernBank, VietABank...
Lãnh đạo Techcombank lý giải với cổ đông, việc giữ lại cổ tức để tái đầu tư dài hạn nhằm tạo ưu thế tài chính cho ngân hàng và đây là chiến lược đúng đắn đã giúp Techcombank đứng vững trong thời gian qua.
Trong khi đó, rất nhiều ông lớn trong các lĩnh vực khác được đánh giá có lợi nhuận khủng, phát triển như vũ bão nhưng cũng đang im hơi lặng tiếng về cổ tức trong nhiều năm qua.
Đáng kể là Masan (MSN) với thành tích 4 năm liên tiếp nói không cổ tức đối với các cổ đông cho dù đến cuối 2013 lợi nhuận chưa phân phối của tập đoàn này lên tới gần 6.300 tỷ đồng và ông lớn này vẫn đều đặn nhận cổ tức khủng từ công ty con.
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức - bầu Đức bất ngờ chia 5% cổ tức 2012 bằng tiền mặt nhưng nhìn chung trong vài năm gần đây HAG của đại gia này - một DN thuộc tốp đầu trên TTCK không trả cổ tức bằng tiền mặt mà chỉ có cổ phiếu.
Rất nhiều các DN khác cũng không trả cổ tức hoặc/và chỉ trả cổ tức "trên giấy" như Itaco (ITA), Vạn Phát Hưng (VPH), Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG)... Một số chậm hoãn liên tục kế hoạch chi trả cổ phiếu của những năm 2010-2011 như: SMA, VCR, VSR, SD7...
DN nhỏ chia lãi khủng
Trái ngược với tình trạng không ít đại gia quên lãng cổ tức, nhiều DN đang duy trì trả lợi tức một cách khá đều đặn cho cổ đông, cứ đến ngày đến tháng là chia cổ tức, mang lại sự yên tâm và sự bền vững cho TTCK.
Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) vừa thông qua kế hoạch trả cổ tức đợt 2 năm 2013 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% cho cổ đông sau khi đã tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 10%. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) còn trả cổ tức lên tới 118,75% bằng tiền mặt (tương đương 11.875 đồng/cp) cho 2 năm vừa qua. PVGAS (MCK: GAS) cũngchia trả cổ tức năm 2013 là 42%/mệnh giá, gấp đối kế hoạch.
Rất nhiều DN trả cổ tức ở mức cao và đều đặn trong nhiều năm gần đây như Vinamilk (VNM), Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT), Gilimex (GIL), Đạm Phú Mỹ (DPM), Khoáng sản Hà Giang (HGM), Phát triển giáo dục Phương Nam (SED), Tập đoàn Hoa Sen (HSG), REE, CNG, Cảng Đoạn Xá (DXP), Công viên nước Đầm Sen (DSN),...
Hầu hết các DN trả cổ tức cao và đều đặn là các đơn vị có hoạt động kinh doanh ổn định, lợi nhuận tốt và có trách nhiệm chia sẻ quyền lợi cho cổ đông được. Rất nhiều cổ đông nắm cổ phiếu của các DN này trong một thời gian dài không bán, chỉ để "ăn" cổ tức.
Đầu tư dài hạn, ăn cổ tức là một trong những yếu tố tạo ra sự bền vững cho TTCK. Tuy nhiên, không có nghĩa là các DN không chia cổ tức cho cổ đông trong một thời gian dài sẽ không đảm bảo tính bền vững cho thị trường. Trên thực tế, không phải tất cả các DN ỉm cổ là do thua lỗ hoặc lãi thấp, mà có nhiều DN lãi khủng, phát triển rất mạnh.
Lý do mà các DN thuộc dạng này không chia cổ tức cho cổ đông là bởi họ đang theo đuổi những chiến lược dài hơi, mở rộng quy mô, mở rộng thị trường, theo đuổi cùng lúc các dự án lớn. Xét về dài hạn, chưa biết DN không trả cổ tức hay DN trả cổ tức cao, ai sẽ hơn ai.
Tuy nhiên, cảm nhận chung là cổ đông không muốn tình trạng không cổ tức kéo dài triền miên bởi NĐT rót tiền vào cổ phiếu đều muốn kiếm lợi nhuận. Khi tình trạng TTCK trầm lắng kéo dài và cổ tức cũng mãi vắng bóng không thể khiến họ an lòng nhất là khi thị trường luôn tiềm ẩn rủi ro và biến động.
HAG gần đây đã chia những đồng tiền cổ tức đầu tiên và bầu Đức cũng có kế hoạch nuôi bò sữa để lấy ngắn hạn nuôi dài, thu về những đồng tiền lời chia cho cổ đông. Tuy nhiên, không phải tất cả các ông chủ đều có lòng 'trắc ẩn' với các cổ đông.
Những căng thẳng trong nhiều đại hội cổ đông 2014 vừa qua về vấn đề cổ tức, về vấn đề lương thưởng của lãnh đạo, tụt giảm lợi nhuận, các kế hoạch "in tiền giấy" dồn dập của DN... cho thấy sự mất cân đối về lợi ích giữa các bên cũng như sự lép vế của nhóm các cổ đông nhỏ lẻ. Đây có thể là yếu tố ảnh hưởng sự phát triển ổn định của thị trường.
Nguồn: FPTS
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]