Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Tin nhanh chứng khoán

Cổ tức - Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra

Tác giả : AA006 | 04 - 06 - 2014 | 2:28 PM | 1805 Lượt xem

Có doanh nghiệp chi trả cổ tức trên 100%, có doanh nghiệp nói không với cổ tức nhiều năm liền, và có doanh nghiệp hoãn trả cổ tức tới 8 lần...

Không phải nhà đầu tư nào cũng dựa vào cổ tức để quyết định mua/bán cổ phiếu của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, cổ tức vẫn luôn là một thông số quan trọng đánh giá mức hấp dẫn của một cổ phiếu. Bên cạnh khoản tiền trực tiếp mang lại cho cổ đông, cổ tức còn phản ánh triển vọng, mức độ "ăn nên làm ra" của một doanh nghiệp.

Kẻ ăn không hết

Hiện nay, tỷ lệ cổ tức kỷ lục chi trả cho cổ đông thuộc về Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) với con số lên tới 118,75% bằng tiền mặt. SDI cho biết đây là mức chi trả cổ tức chung cho 2 năm 2012 và 2013. Nói gì thì nói, 118,75% cũng là tỷ lệ cổ tức khủng. Tính ra, một cổ phiếu SDI mệnh giá 10.000 đồng sẽ được nhận về 11.875 đồng cổ tức. So với thị giá xung quanh 42.000 đồng, lợi tức của cổ phiếu SDI lên tới 28%. Sau con số lợi nhuận đột biến lên tới trên 1.100 tỷ đồng năm 2013, rõ ràng cổ đông của SDI đã có cơ hội được "hái quả ngọt". 

Thị giá của SDI đã tăng đáng kể từ sau thông tin công ty này dự kiến chia cổ tức 2013 tỷ lệ 83,1%. Nghị quyết của HĐQT công ty ra ngày 7/3/2014. Lúc đó, thị giá của SDI chỉ ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu.

Chúng tôi cũng lưu ý, với mức chi trả nói trên, SDI sẽ phải bỏ ra 1.425 tỷ đồng để thanh toán cho các cổ đông của công ty. LNST dành cho cổ đông công ty mẹ trong 2 năm 2012 và 2013 của SDI đạt 1.469 tỷ đồng. Tức là công ty trích gần như toàn bộ lợi nhuận thu được để trả cho cổ đông.

Cổ đông lớn nhất của SDI là công ty mẹ Vingroup với tỷ lệ sở hữu 74% sẽ nhận được khoảng 1.055 tỷ đồng cổ tức từ SDI trước khi kết thúc quý 2 năm nay. Được biết, quý 1 Vingroup lãi ròng 1.076 tỷ đồng. 

Một doanh nghiệp khác cũng "vượt mặt" công ty mẹ trong việc chi trả cổ tức cho cổ đông là Masan Consumer, con đẻ của "đế chế Masan". Trong khi Masan kiên trì nói không với cổ tức suốt bao nhiêu năm, MSF lại quyết định chi cổ tức 2013 và tạm ứng 2014 với tỷ lệ 110% bằng tiền mặt. Với quy mô khổng lồ, công ty này sẽ phải bỏ ra khoảng 5.800 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho các cổ đông, trong đó có ông lớn Masan được hưởng 4.490 tỷ đồng, cổ đông lớn khác là Quỹ đầu tư thuộc KKR nhận trên 1.000 tỷ đồng. 

Một doanh nghiệp khác là Navico ANV, mặc dù tỷ lệ chi trả cổ tức cực kỳ khiêm tốn 9% bằng tiền mặt, nhưng vẫn xứng đáng được các cổ đông "vinh danh" khi công ty này đã chi trả cổ tức tới 59 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận của công ty vỏn vẹn 6,3 tỷ đồng năm 2013. Tất nhiên, tỷ lệ cổ tức này có được nhờ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lên tới 120 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2013.

Việc chi trả cổ tức gần hết/vượt quá số lợi nhuận thu được trong năm không phải lúc nào cũng khiến cổ đông háo hức. Còn nhớ năm 2012, Cảng Đoạn Xá (DXP) quyết định chi trả cổ tức tỷ lệ 70% bằng tiền mặt, đã khiến một vài cổ đông lo ngại về khả năng đầu tư mở rộng kinh doanh của công ty này, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành đang liên tục có những kế hoạch đầu tư mở rộng hoạt động.

Người lần chẳng ra

Masan có lẽ là ông lớn gây nhiều muộn phiền nhất cho cổ đông khi công ty này tiếp tục nói không với cổ tức trong 4 năm liên tiếp. Mặc dù tính đến cuối năm 2013, lợi nhuận chưa phân phối của MSN lên tới 6.250 tỷ đồng. 

Các doanh nghiệp hiện đang đau đầu với khoản lỗ lũy kế khổng lồ chưa thể khắc phục trong ngày một ngày hai, cũng buộc phải xin lỗi và khất cổ tức với cổ đông cho đến khi nào xóa hết lỗ. 

Hanoimilk lại là một trường hợp tương đối đặc biệt. Mặc dù tỷ lệ cổ tức 2013 của công ty chỉ ở mức "tượng trưng" 2% bằng tiền mặt, nhưng đã ghi nhận sự cố gắng xoay xở của HĐQT công ty khi quyết định xóa lỗ lũy kế bằng khoản thặng dư vốn cổ phần - một phương án mà trước đến nay hầu như chưa có doanh nghiệp nào thực hiện. 

Điệp khúc hoãn cổ tức

Oái oăm hơn cả, làm thất vọng các cổ đông hơn cả có lẽ là những trường hợp hoãn chi trả cổ tức. Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA) đã khất cổ tức 2011 đến tận năm nay, và công ty vừa "hứa" sẽ chi trả 12% cổ tức còn lại vào 30/6/2014. Đây là lần thứ 8 công ty này "hứa" như vậy với các cổ đông. 

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) sau một thời gian làm ăn thua lỗ, hiện còn nợ cổ đông cổ tức từ năm 2010. Nghị quyết HĐQT công ty ngày 24/3/2014 lại vừa quyết định thay vì chi trả cổ tức 2010 (tỷ lệ 15% bằng tiền mặt) vào ngày 31/3/2014, đã xin khất sang tận cuối quý 1 năm sau!

Không chịu thua kém, Sông Đà 7 (SD7) cũng quyết định thanh toán cổ tức năm 2010 bằng tiền mặt vào cuối năm 2015. 
 
Cũng nói thêm, hoãn cổ tức hàng năm như vậy, các doanh nghiệp chẳng phải chịu bất kỳ lãi suất phạt nào. So với việc trì hoãn thanh toán các khoản nợ, hay chậm thu hồi các khoản phải thu (có chiết khấu thương mại) thì rõ ràng hoãn cổ tức có lợi hơn hẳn. 

Hiện các doanh nghiệp hoãn chi trả cổ tức nhiều lần, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cổ đông cũng chỉ bị các cơ quan chức năng nhắc nhở. Những công văn nhắc nhở có vẻ chưa đủ áp lực cần thiết để các công ty này thu xếp nguồn vốn để trả cho các cổ đông. Điệp khúc hoãn cổ tức vẫn cứ tiếp tục được cất lên mỗi khi...gần đến hạn thanh toán.

Nguồn: CafeF


Tag:
  • TTCK
  • ,
  • Share: 

    Hotline:

    (84) 2253 250 250

    Email:

    [email protected]