Pháo hoa Canh dao tet Tet Nguyen Dan taiviet.net-noel

Tin nhanh chứng khoán

Cổ tức doanh nghiệp, bức tranh đa màu sắc

Tác giả : AA006 | 29 - 05 - 2014 | 9:16 AM | 1927 Lượt xem

Cổ tức là một trong những yếu tố được quan tâm và thậm chí được tranh cãi nhiều nhất tại các mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của các DN. Nhìn lại bức tranh cổ tức mùa ĐHCĐ 2014 cũng để hình dung hơn về chiến lược “đối đãi” với cổ đông của từng DN.

Cổ tức cao ngất

ĐHCĐ thường niên năm 2014 của CTCP Masan Consumer (MSF) đã thông qua việc chia cổ tức bằng năm 2013 và tạm ứng cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt với mức 11.000 đồng/CP, tổng cộng hơn 5.800 tỷ đồng. Là công ty con của Tập đoàn Masan, MSF là đơn vị đóng góp phần lớn lợi nhuận cũng như doanh thu chính cho Tập đoàn. MSF cũng thông qua kế hoạch năm 2014 với doanh thu đạt từ 16.000 đến 17.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt từ 3.750 đến 4.250 tỷ đồng.

CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) cũng đã lên kế hoạch trả cổ tức năm 2014 ở mức tối thiểu 50%, trong đó cổ tức năm 2013 Công ty đã trả cho cổ đông là 70%.

CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) đang lên kế hoạch trình cổ đông phương án thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông ở mức 40%. Cụ thể, với 515 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong 2013, HĐQT có phương án thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 40%, ứng với tổng giá trị 311 tỷ đồng. Trong đó, 10% đã được thực hiện trong tháng 3/2014, dự kiến 30% còn lại chi trả trong quý II/2014.

Công ty cổ phần Nhựa - Bao bì Vinh (VBC) cũng trả cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 50%, trong khi mức cổ tức năm 2014 dự kiến là 30%.

Cổ tức thấp

Tại ĐHCĐ CTCP Sữa Hà Nội (HNM) ngày 25/5 vừa qua, sau khi tranh cãi giữa hai phương án: Thứ nhất, chia cổ tức tiền mặt 2013 với tỷ lệ 2% (tương đương 2,5 tỷ đồng) và phương án hai, không chia cổ tức mà giữ phần lợi nhuận còn lại để đầu tư vào các dự án, ĐHCĐ đã thống nhất phương án chia cổ tức ở mức 2%. Nhiều cổ đông HNM cho rằng, đây là mức cổ tức quá thấp.

Trước đó, tại ĐHCĐ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB), nhiều cổ đông chưa thực sự hài lòng với quyết định trả cổ tức năm 2013 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 4% mệnh giá của Ngân hàng. Nhưng với EIB, chỉ với 4%, Ngân hàng đã phải chi hơn 490 tỷ đồng cho đợt cổ tức này và dự kiến khoản cổ tức này sẽ được trả vào ngày 30/6 tới. Chia cổ tức thấp là điều DN không muốn, nhưng đối với một số DN, việc phải chi tiền trăm tỷ để chia cổ tức cho cổ đông trong giai đoạn khó khăn này cũng là một sự cố gắng.

Hiện nay, dù tình hình nợ xấu có dấu hiệu dịu lại, nhưng vẫn còn đang ở mức cao, do vậy, các ngân hàng ưu tiên giữ lại lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đây cũng là lý do tại sao cổ tức ở các ngân hàng nói chung trong vài năm gần đây rất thấp.

Và… nói “không” với cổ tức

Tình trạng DN khất cổ tức đang ngày càng nhiều. Có những DN đã nhiều năm liên tiếp không trả cổ tức cho cổ đông. Điệp khúc này lại lặp lại với CTCP Tập đoàn Masan - Masan Group (MSN), khác với công ty con trả cổ tức cao như vừa nêu trên. Trong ĐHCĐ thường niên 2014 mới đây của MSN Masan Group, cổ đông tiếp tục nhận được thông điệp không trả cổ tức năm 2013, dù lợi nhuận chưa phân phối của Tập đoàn đạt 6.357 tỷ đồng. Như vậy, đây là năm thứ 4 liên tiếp MSN không trả cổ tức và MSN cho biết sẽ dùng số tiền đó để tiếp tục tái đầu tư, để mua bán và sáp nhập (M&A) và để đầu tư vào các dự án khác.

Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng quyết định không trả cổ tức 2013 khi cho rằng, sẽ dùng nguồn tiền đó để tái đầu tư dài hạn.

CTCP Cơ điện và xây dựng Việt Nam (MCG) cũng là DN 3 năm liên tiếp không trả cổ tức vì lý do Công ty thua lỗ và không hoàn thành kế hoạch được giao.

Một số DN Bất động sản, xây dựng cũng rơi vào tình trạng thiếu nguồn vốn để trả cổ tức. Đơn cử như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) khất cổ tức 3 năm liên tiếp (2011 - 2013) do âm lợi nhuận, trong khi đó khoản cổ tức năm 2010 của Công ty cũng phải sang năm 2013 mới thanh toán hết.

Đối với những DN đến thời điểm này còn nợ cổ tức năm 2010, 2011 thì cũng đồng nghĩa với việc không có cổ tức những năm sau đó.

Kỷ lục “khất” cổ tức nhiều lần nhất hiện vẫn thuộc về CTCP Sông Đà 7 (SD7) khi đã 4, 5 lần gia hạn trả cổ tức năm 2010 và cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 8% cổ tức năm 2010 còn lại cổ đông chưa nhận được. Đại diện SD7 cho biết, Công ty đang cố gắng để thanh toán khoản này vào ngày 30/6 tới, vì không muốn thêm một lần thất hứa với cổ đông.

Nguồn: FPTS


Tag:
  • TTCK
  • ,
  • Share: 

    Hotline:

    (84) 2253 250 250

    Email:

    [email protected]