Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn của Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương về việc triển khai cơ chế Hải quan một cửa quốc gia tại Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều từ Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia. Bộ Công Thương sẽ có hình thức khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết mục đích của việc triển khai cơ chế Hải quan một cửa quốc gia tại Bộ Công Thương?
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Trước đây, hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng được thực hiện chủ yếu dưới hình thức văn bản giấy tờ. Hàng ngày, các doanh nghiệp phải chuẩn bị và nộp cho các cơ quan quản lý nhà nước những hồ sơ cung cấp thông tin giống nhau và lặp lại nhiều lần, gây ra sự lãng phí lớn về mặt thời gian và tài chính. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử, các quốc gia và tổ chức kinh tế thế giới đang hướng tới xây dựng cơ chế một cửa nhằm tạo thuận lợi cho luồng thông tin được thông suốt, tránh những yêu cầu thông tin trùng lặp, giảm thủ tục giấy tờ để làm tăng tốc độ luân chuyển của hàng hóa, giảm thời gian và chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội.
Mục đích triển khai cơ chế Hải quan một cửa quốc gia của Bộ Công Thương cũng giống như mục đích triển khai cơ chế hải quan một cửa nói chung của Việt Nam là hướng tới xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam trở thành công cụ hỗ trợ và thực thi chủ yếu của các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế; Đảm bảo lợi ích quốc gia và cộng đồng, tăng cường năng lực quản lý nhà nước, tạo thuận lợi thương mại và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia; Đảm bảo cho các giao dịch, các quy trình và quyết định trong Cơ chế một cửa quốc gia được thực hiện nhất quán, đơn giản, minh bạch và hiệu quả; Sẵn sàng kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN theo tinh thần của Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 cũng như sẵn sàng kết nối và trao đổi thông tin thương mại với các đối tác thương mại khác trên toàn cầu.
Phóng viên: Việc triển khai cơ chế Hải quan một cửa Quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp phép cho doanh nghiệp?
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Khi tham gia vào Cơ chế hải quan một cửa quốc gia, các cơ quan quản lý (cán bộ cấp phép) được hưởng một số lợi ích nhất định như sau: Giảm thời gian và chi phí tiếp nhận xử lý hồ sơ cấp phép cho doanh nghiệp. Việc tiếp nhận, xử lý bằng hệ thống điện tử sẽ chính xác, hiệu quả dẫn đến tiết kiệm nguồn lực trong công tác cấp phép của các Bộ, ngành. Tiếp cận hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin. Tăng cường khả năng lưu trữ, tìm kiếm, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giữa cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam với các nước khác.
Phóng viên: Hiện nay, công tác chuẩn bị của Bộ Công Thương trong việc triển khai cơ chế Hải quan một cửa quốc gia đang được thực hiện ra sao? Liên quan đến vấn đề này chúng ta có gặp khó khăn vướng mắc gì không?
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Theo Thông tư liên tịch số 84/2013/TTLT-BTC-BCT-BGTVT ngày 25/06/2013 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/08/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai cơ chế Hải quan một cửa quốc gia, 5 thủ tục hành chính của Bộ Công Thương sẽ được thực hiện thí điểm vào Hệ thống hải quan một cửa quốc gia. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành thử nghiệm và kết nối thành công về mặt kỹ thuật đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mẫu D). Đây là thủ tục hành chính có tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào các nước ASEAN. Chúng tôi cũng đã tiến hành tổ chức một số buổi hội thảo, tập huấn để hướng dẫn doanh nghiệp về chủ trương, định hướng cũng như kế hoạch sắp tới để doanh nghiệp có thể chuẩn bị cho việc tham gia vào Cơ chế hải quan một cửa quốc gia.
Trong quá trình triển khai thí điểm giai đoạn 1 có sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương. Để có thể triển khai được thành công thì cần có sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm rất lớn của cả 3 Bộ và các đơn vị trực tiếp liên quan phối hợp triển khai.
Phóng viên: Bộ Công Thương sẽ có những định hướng gì để thực hiện thành công việc triển khai cơ chế Hải quan một cửa quốc gia trong thời gian tới?
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Hiện nay Bộ Công Thương có 5 thủ tục tham gia Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành đẩy nhanh việc triển khai toàn bộ các thủ tục còn lại theo yêu cầu tại Thông tư liên tịch số 84/2013/TTLT-BTC-BCT-BGTVT. Ngoài ra chúng tôi sẽ tiến hành xem xét một số thủ tục hành chính khác có tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp để tiếp tục tham gia vào Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia.
Kinh nghiệm cho thấy yếu tố quan trọng trong thành công của Cơ chế này là sự tham gia của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần được phổ biến, tuyên truyền về tác dụng, lợi ích của việc tham gia Cơ chế, đào tạo về việc sử dụng hệ thống liên quan, trao đổi ý kiến vướng mắc với cơ quan quản lý nhà nước để bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ có hình thức khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]