Nếu chỉ tính riêng lợi nhuận ròng, tổng mức đạt được quý 1/2014 của 5 doanh nghiệp cao su tự nhiên niêm yết trên sàn lại tăng tới 7,55%, đạt gần 187 tỷ đồng.
Còn nhớ, đầu năm 2014, Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) đã đưa ra dự đoán giá cao su bình quân năm 2014 sẽ ở mức 52 triệu đồng/tấn. Thế nhưng, sau 5 tháng, diễn biến giá cao su không được như kỳ vọng.
Theo thống kê giá bán cao su tại Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR), mức giá cao su bán ra tại công ty này những tháng vừa qua đều ở mức dưới 50 triệu đồng. Đáng chú ý hơn cả là xu hướng giá giảm dần trong 4 tháng vừa qua (DPR chưa công bố kết quả kinh doanh tháng 5). Theo dõi tình hình giá cao su hơn 1 năm gần đây, có thể thấy xu hướng giá cao su rõ ràng hơn (đơn vị: triệu đồng/tấn).
Trước tình hình giá cao su như đã đề cập, hẳn ai cũng hình dung quý 1 vừa qua các doanh nghiệp cao su tự nhiên đã có một kỳ kinh doanh khó khăn. Thế nhưng, nếu chỉ tính riêng lợi nhuận ròng, tổng mức đạt được quý 1/2014 của 5 doanh nghiệp cao su tự nhiên niêm yết trên sàn lại tăng tới 7,55%, đạt gần 187 tỷ đồng.
Lợi nhuận đến từ đâu?
Trong các doanh nghiệp cao su tự nhiên, Cao su Phước Hòa là doanh nghiệp lớn nhất, nếu tính trên quy mô vốn điều lệ. Đây cũng là doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1 cao và tăng trưởng ở mức khá so với cùng kỳ 2013. Kết quả quý 1 công ty lãi ròng 77 tỷ đồng, tăng 64,11% so với quý 1 năm 2013. PHR cũng là doanh nghiệp duy nhất tăng trưởng doanh thu trong quý 1 vừa qua.
Giải trình kết quả kinh doanh tăng đột biến, thậm chí trái với xu hướng chung của các doanh nghiệp cao su tự nhiên, PHR cho biết lợi nhuận quý 1 của công ty tăng trưởng chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty con và các công ty liên kết tăng 31,5 tỷ đồng.
Doanh nghiệp thứ 2 có mức tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận trong quý 1 vừa qua là Cao su Hòa Bình HRC. Công ty này lãi ròng gần 20 tỷ đồng trong riêng quý 1/2014, trong khi cùng kỳ lợi nhuận chỉ đạt vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, soi kỹ lợi nhuận của công ty này, nhà đầu tư sẽ thấy phần lớn lợi nhuận (nếu không muốn nói là toàn bộ) của công ty đều đến từ hoạt động thanh lý vườn cây. HRC đã miệt mài thanh lý cây cao su từ năm 2012 đến nay vẫn chưa dừng!
Ngoài 2 doanh nghiệp với mức lợi nhuận đều tăng đột biến nói trên, 3 doanh nghiệp còn lại đều giảm lợi nhuận đáng kể so với quý 1 cùng kỳ.
Kế hoạch thận trọng
Cao su Phước Hòa là doanh nghiệp có tình hình kinh doanh tương đối ổn định quý 1 vừa qua, nhưng công ty vẫn đề ra kế hoạch tương đối thận trọng, dựa trên dự báo giá cao su còn có những diễn biến bất lợi (dự kiến bình quân 45 triệu đồng/tấn). Năm 2014, PHR đề ra kế hoạch lợi nhuận 211 tỷ đồng, giảm 43% so với mức thực hiện năm 2013.
Tình hình không khác biệt ở các doanh nghiệp còn lại khi dự báo giá cao su bình quân trong năm ở xung quanh mức 45 - 46 triệu đồng/tấn. Ngoại trừ HRC tự tin với kỳ vọng lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp đều đề xuất mức kế hoạch lợi nhuận giảm, thậm chí giảm sâu so với mức thực hiện năm 2013. Cụ thể như sau:
Theo tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), trong 3 quý đầu năm 2013 lượng cung cao su đã dư thừa so với nhu cầu tới 149 nghìn tấn. Theo tính toán của Công ty tư vấn hàng hóa RCMA Commodities Asia Pte, sản lượng dư thừa đến năm 2014 sẽ tăng gấp đôi con số này. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ cao su lại tăng không đáng kể. Ngay cả Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất vẫn đang có lượng dự trữ cao su cao nhất kể từ năm 2004.
Trước tình hình đó, việc thận trọng trong kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp cao su hẳn sẽ không thừa.
Nguồn: FPTS
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]