Tài Việt điểm qua một số văn bản pháp luật đáng chú ý trong lĩnh vực Hải Quan thời gian vừa qua (15/03/2021-31/03/2021)
1. Công văn số 1414/TCHQ-GSQL ngày 26/3/2021 của Tổng cục Hải quan v/v Thủ tục hải quan khi tách công ty
1. Đối với hàng hóa chuyển giao khi tách công ty:
a) Về chính sách thuế:
Theo điểm c khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định về đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Theo khoản 20 Điều 5 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT;
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định về khu phi thuế quan;
Theo khoản 1 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/8/2018 của Chính phủ quy định khu chế xuất, DNCX;
Theo đó, đối với trường hợp công ty được thực hiện tách theo đúng quy định tại Điều 199 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 thì hàng hóa chuyển giao từ DNCX bị tách sang DNCX được tách không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế GTGT.
b) Về thủ tục hải quan:
Theo khoản 1 Điều 74 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 50 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định thủ tục hải quan của DNCX thì hàng hóa luân chuyển giữa các DNCX trong cùng một khu chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hải quan.
Theo đó, đối với trường hợp công ty được thực hiện tách theo đúng quy định tại Điều 199 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 thì hàng hóa chuyển giao từ DNCX bị tách sang DNCX được tách trong cùng một khu chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hải quan. Trường hợp không làm thủ tục hải quan, DNCX lập và lưu trữ chứng từ, sổ chi tiết việc theo dõi hàng hóa chuyển giao theo các quy định của Bộ Tài chính về tách doanh nghiệp, chế độ kế toán, kiểm toán.
2. Về việc nộp báo cáo quyết toán (BCQT):
Theo Điều 199 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 quy định về việc tách công ty;
Theo Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định về việc nộp báo cáo quyết toán;
Theo đó, trường hợp công ty được tách kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ của Chi nhánh Công ty TNHH GE Việt Nam tại Hải Phòng (GEHP) - là chi nhánh hoạt động độc lập thì không phải làm BCQT tại thời điểm GEHP tách khỏi Công ty TNHH GE Việt Nam (GEVN).
3. Thủ tục hải quan đối với hàng đã tạm nhập hoặc đã tạm xuất khi tách Công ty:
Theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/5/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ, đối với hàng hóa đã ban đầu do công ty bị tách làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất, sau đó đến thời hạn phải tái xuất, tái nhập, công ty được tách làm thủ tục tái xuất, tái nhập trên tờ khai hải quan giấy và xuất trình cho cơ quan hải quan tài liệu, hồ sơ chứng minh công ty được tách là chủ hàng hóa.
4. Sử dụng giấy phép nhập khẩu hàng hóa chuyên ngành:
Công ty được tách khi thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu thì xuất trình giấy phép nhập khẩu do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp cho công ty được tách theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC trừ trường hợp xuất trình văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép công ty được tách tiếp tục được sử dụng giấy phép nhập khẩu đã cấp trước đây cho công ty bị tách.
2. Công văn số 1188/TCHQ-TXNK ngày 15/3/2021 của Tổng cục Hải quan v/v Thuế nhôm phế liệu xuất khẩu để gia công
Theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì: “Hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu tính trên phần trị giá của nguyên vật liệu xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công. Đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công sau đó nhập khẩu là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên thì không được miễn thuế.”
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 134/2016/QH13 ngày 01/09/2016 thì: “Hàng hóa xuất khẩu để gia công là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên và hàng hóa xuất khẩu để gia công thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu.”
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì: “Sản phẩm đặt gia công ở nước ngoài khi nhập khẩu trở lại Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá của nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công và phải chịu thuế đối với phần trị giá còn lại của sản phẩm theo mức thuế suất thuế nhập khẩu của sản phẩm gia công nhập khẩu”.
Theo hướng dẫn tại công văn số 11081/BTC-TCHQ ngày 18/8/2017 của Bộ Tài chính thì: “Doanh nghiệp xuất khẩu phế liệu, phế phẩm kim loại để gia công, thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, theo đó phế liệu, phế phẩm kim loại thuốc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu.”
Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất lon nhôm, khi xuất khẩu phế liệu thu được trong quá trình sản xuất để thuê gia công ở nước ngoài thì phải nộp thuế xuất khẩu (không phân biệt nguồn gốc phế liệu trong nước hay nhập khẩu).
*Nguồn: Tài Việt tổng hợp
Thuế và hải quan | |
Doanh nghiệp và chứng khoán | |
Văn bản pháp luật | |
Đào tạo nghiệp vụ |
Bản quyền thuộc về Công ty cổ phần Tài Việt
Điện thoại: (84) 2253 250 250 - Fax: (84) 2253 555 456
Email: [email protected]